Đóng Menu

IMP: Bản Tin Nhà Đầu Tư tháng Quý IV năm 2021

I. MÔI TRƯỜNG VĨ MÔ TRONG NĂM 2021 VÀ DỰ BÁO 2022.

Kinh tế Việt Nam trong quý IV có dấu hiệu phục hồi tích cực sau khi chịu ảnh hưởng nặng nề vì đại dịch trong quý III. Cụ thể tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam trong quý IV/2021 tăng 5,22%, cao hơn tốc độ tăng trưởng 4,61% của quý IV/2020.
GDP của cả năm 2021 tăng trưởng 2,58% so với năm 2020. Biến thể Delta đã gây tác động hết sức tiêu cực đến kinh tế Việt Nam, mức tăng trưởng này thấp hơn khoảng 4 điểm phần trăm so với dự báo hồi đầu năm. Mặc dù tăng trưởng thấp nhưng Việt Nam đã thành công kiểm soát được dịch bệnh và từng bước phục hồi kinh tế. Từ nước có tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin Covid-19 thấp, đến cuối năm 2021 Việt Nam có khoảng 80% dân số được tiêm ngừa (khoảng 100% dân số trên 18 tuổi), và trở thành một trong 3 nước có tốc độ tiêm chủng nhanh nhất thế giới tính theo ngày và tuần.
Trong cơ cấu GDP thì khu vực dịch vụ chiếm 40,95%, tiếp đến là công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ trọng 37,86%, nông lâm nghiệp chiếm 12,36%, thuế và các sản phẩm trợ cấp chiếm 8,83%. Ngành nông, lâm nghiệp tiếp tục là một điểm sáng của kinh tế Việt Nam với tốc độ tăng trưởng 2,9% góp phần tạo ra bệ đỡ cho nền kinh tế. Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2021 đạt 48,6 tỷ tăng 14,9% so với năm 2020.
Bên cạnh đó, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 9,2% so với năm 2020. Chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng 1,84% so với năm 2020, mức tăng thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.
Kim ngạch xuất khẩu năm 2021 của Việt Nam đạt kỷ lục: 668,5 tỷ USD tăng 22,6% so với năm 2020, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 336,25 tỷ USD tăng 19% so với năm 2020 và kim ngạch nhập khẩu đạt 332,25 tăng 26,5% so với năm trước. Năm 2021, Việt Nam xuất siêu 4 tỷ USD phần lớn nhờ vào việc xuất siêu đạt 1,5 tỷ USD trong tháng 12/2021.
Dịch Covid-19 cũng đã đẩy nhanh chuyển đổi số tại Việt Nam. Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2021 quy mô nền kinh tế số của Việt Nam tăng 31% so với năm 2020 và đạt mức 21 tỷ USD. Nếu xét trong khu vực Đông Nam Á thì quy mô nền kinh tế số của Việt Nam năm 2021 đứng sau Indonesia và Thái Lan, nhưng được xếp tương đương với Malaysia. Dự báo đến năm 2025, nền kinh tế số của Việt Nam sẽ đạt 57 tỷ USD vươn lên vị trí số 2 chỉ sau Indonesia.
Ngày 12/11/2021 Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2022 đã được Quốc hội thông qua, theo đó mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2022 là 6%-6,5%. Theo báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á – ADB – công bố tháng 12/2021, dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,5% trong năm 2022. Theo ông Jacques Morisset – Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng thế giới tại Việt Nam nhận định: Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu này nếu đáp ứng được hai điều kiện: Kiểm soát được đại dịch và cải thiện cán cân cung cầu. Theo ông Morisset, Chính phủ Việt Nam cần có những biện pháp kích cầu.

II. NGÀNH DƯỢC VIỆT NAM TRONG QUÝ IV NĂM 2021 VÀ DỰ BÁO 2022

Ngành Dược Việt Nam năm 2021 đối mặt với rất nhiều thách thức và khó khăn. Trước làn sóng dịch Covid thứ 4 dưới ảnh hưởng của các lệnh giãn cách, nhiều doanh nghiệp Dược không thể hoạt động 100% công suất, tuy nhiên cũng có một số doanh nghiệp Dược có công suất tăng. Kết quả khảo sát của Vietnam Report với các doanh nghiệp ngành Dược về tác động của dịch Covid-19 trong năm 2021 cho thấy 57,14% đánh giá tình hình xấu đi một chút trong khi đó 14,29% đánh giá không có tác động chỉ khoảng 7,14% doanh nghiệp đánh giá tình hình tốt lên một chút.
Ngoài những tác động của dịch Covid-19 thì các doanh nghiệp dược cũng đối mặt với tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu làm cho giá nguyên vật liệu tăng cao. Bên cạnh đó, chi phí sản xuất 3-4 tại chỗ trong thời điểm đỉnh dịch Covid cũng góp phần làm tăng giá thành sản phẩm, từ đó ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của các doanh nghiệp.
Mặc dầu có những khó khăn nhất định, nhưng theo một khảo sát được thực hiện bởi Vietnam Report thì có đến 62,5% các chuyên gia và các doanh nghiệp đánh giá, trong năm 2022 tăng trưởng của ngành dược sẽ tốt hơn, có 12,5% đánh giá tăng trưởng mạnh, tốt hơn nhiều và chỉ có 6,25% doanh nghiệp đánh giá là tình hình sẽ xấu đi trong năm 2022 so với 2021.
Trong năm 2022, giá nguyên vật liệu được dự báo sẽ tiếp tục tăng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, do đó các doanh nghiệp dược sẽ phải có chiến lược tồn kho hợp lý để đối phó với tình trạng biến động giá, giữ ổn định biên lợi nhuận.
Ngành dược luôn là ngành tiên phong để bảo đảm ổn định nguồn cung thuốc cho toàn dân đặc biệt là trong giai đoạn của dịch Covid-19, vai trò của ngành càng trở nên cấp thiết hơn. Trong năm 2021, Việt Nam đã triển khai thử nghiệm thuốc điều trị Covid-19 Monuparivir và mang lại hiệu quả tích cực cho các bệnh nhân. Dự đoán, trong năm 2022, Việt Nam sẽ bắt đầu sản xuất loại thuốc này để góp phần tự chủ nguồn cung, nâng cao hiệu quả của hoạt động chăm sóc sức khỏe.

III. DIỄN BIẾN CỔ PHIẾU IMEXPHARM TRONG QUÝ IV 2021

Tổng khối lượng giao dịch cổ phiếu IMP trong quý IV/2021 đạt 1.879.686 cổ phiếu. Trong đó có 750.600 cổ phiếu được giao dịch theo hình thức khớp lệnh và 1.129.086 cổ phiếu giao dịch theo hình thức thỏa thuận. Tổng khối lượng giao dịch của quý 4 chỉ bằng 28,4% so với cùng kỳ năm 2020. Trong khi đó, tổng giá trị đạt 41,9% cho thấy cổ phiếu IMP đã tăng giá trong năm 2021. Khối lượng khớp lệnh trung bình ngày trong quý 4/2021 là: 11.373 cố phiếu. Nếu xét riêng khối lượng khớp lệnh thì tổng khối lượng khớp lệnh trong quý 4/2021 bằng 11,5% so với quý 4/2020, trong khi đó khối lượng thỏa thuận lại tăng hơn gần 11,6 lần so với cùng kỳ.
So với quý 3/2021, khối lượng giao dịch của quý 4/2021 tăng 23,3% nhờ vào các giao dịch thỏa thuận tăng hơn gấp đôi, trong khi đó giao dịch khớp lệnh lại giảm 22,5%.
Sự thay đổi cơ cấu cổ đông thông qua việc tiếp nhận 2 cổ đông sở hữu trên 5% tổng số cổ phiếu đang lưu hành trong quý 2/2021 và những ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh đã khiến giao dịch cổ phiếu IMP trở nên kém sôi động trên sàn.

IV. HOẠT ĐỘNG IMEXPHARM 2021 VÀ MỤC TIÊU TỔNG QUAN 2022
1. Kết quả hoạt động kinh doanh năm 2021
STT Chỉ tiêu 2021 % KH 2020  2020 Tăng trưởng
I Kết quả hoạt động (tỷ đồng)      
1 Tổng doanh thu và thu nhập 1.290,6 84,4% 1.382,3 (6.6%)
2 Doanh thu thuần 1.266,6 1.369,4 (7,5%)
3 Lợi nhuận hoạt động kinh doanh 234,5 252,5 (7,1%)
5 Lợi nhuận trước thuế 238,9 82,4% 255,4 (6,5%)
6 Lợi nhuận sau thuế 189,1 209,7 (9,8%)
II Tài sản – Nguồn vốn (tỷ đồng)        
1 Tổng tài sản 2.294,7 2.096,5 9,5%
2 Vốn chủ sở hữu 1.794,4 1.730,5 3,7%
3 Vốn điều lệ 667,1 667,1 0%
III Khả năng thanh toán (lần)        
1 Khả năng thanh toán ngắn hạn 2,9 2,8 0,1 lần
2 Khả năng thanh toán nhanh 1,7 1,6 0,1 lần
IV Khả năng sinh lợi        
1   Lợi nhuận trước thuế/Doanh thu thuần 18,9% 18,7% 0,2%
2 ROS 14,9%   15,3% (0,4%)
3 ROE 10,7% 12,8% (2,1%)
4 ROA 8,6% 10,6% (2,0%)
5 EPS 2.600 2.773 (6,2%)
6 BV 26.900 25.941 3,7%
7 P/E 29,9 20,3 9,6 lần
8 P/B 2,9 2,1 0,8 lần
Giá thị trường ngày 31/12 (đồng) 77.800   56.300 38,2%

Kết thúc quý IV/2021, tổng doanh thu thuần và thu nhập của Imexpharm đạt 1.290,6 tỷ, bằng 84,4% kế hoạch năm và giảm 6,6% so với cùng kỳ. Trong khi đó lợi nhuận trước thuế đạt 238,9 tỷ bằng 82,4% kế hoạch do ĐHĐCĐ đề ra và giảm 6,5% so với cùng kỳ. Các lệnh giãn cách xã hội, hạn chế đi lại, người dân không đến bệnh viện đã làm cho kênh bán hàng ETC của Imexpharm sụt giảm nghiêm trọng. Cụ thể, doanh số kênh ETC giảm 12,7% so với cùng kỳ, đồng thời kênh OTC cũng giảm 0,9%.
Hàng Imexpharm vẫn giữ vai trò chủ động trong cơ cấu doanh thu ở mức 94%, giảm 7,4% so với cùng kỳ. Trong khi đó doanh thu hàng nhượng quyền cũng sụt giảm 11,1% so với năm 2020.
Giá vốn hàng bán của công ty giảm 5,3%, thấp hơn mức giảm 6,5% của doanh thu thuần. Tuy vậy, chi phí bán hàng giảm mạnh 14,9% và chi phí quản lý tăng nhẹ 1,8%. Biên lãi gộp năm 2021 là 38,5% giảm 1,4% so với biên lãi gộp 39,9% của năm 2020. Các hoạt động sản xuất kinh doanh 3-4 tại chỗ cùng với các biện pháp bảo đảm an toàn trong trong thời gian dịch bệnh bùng phát vào quý 3/2021 đã đẩy chi phí sản xuất tăng cao làm cho giá vốn không giảm tương ứng với tốc độ của doanh thu.
Các chỉ số về khả năng thanh khoản của Imexpharm tăng nhẹ so với cùng kỳ, phản ánh đúng chính sách quản lý vốn lưu động theo hướng thận trận, giảm thiểu tối đa các rủi ro về thanh khoản của công ty.
Do lợi nhuận sụt giảm nên các chỉ số sinh lời ROE, ROA đều giảm so với cùng kỳ. Tương tự EPS cũng giảm 6,2%.
Giá đóng cửa của cổ phiếu IMP tại ngày 31/12 là 77.800 đồng, đạt mức tăng 38,1% trong năm 2021, kéo theo đó là các chỉ số P/E và P/B đều tăng so với cùng kỳ. P/E đã tăng 9,6 lần trong khi P/B tăng 0,8 lần.
Trước những diễn biến khó lường của đại dịch, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, giá nguyên liệu tăng cao, trong khi thời gian giao hàng bị kéo dài, Imexpharm đã chủ động tích trữ nguyên liệu để giữ ổn định biên lợi nhuận, do đó hàng tồn kho của công ty tăng mạnh vào cuối năm 2021. Ngoài ra, việc kiểm soát công nợ được công ty thực hiện khá tốt trong quý 4, khi hoạt động sản xuất kinh doanh dần được khôi phục. Công nợ của công ty đã giảm mạnh so với số đầu năm.

2. Cập nhật thông tin hoạt động nổi bật của Imexpharm năm 2021

Mặc dù doanh thu và lợi nhuận của Imexpharm không đạt như kỳ vọng và tiến độ xét duyệt nhà máy IMP4 bị chậm trễ do ảnh hưởng của dịch bệnh, trong năm 2021 Imexpharm cũng đã thực hiện được những điểm sau:
– Đảm bảo an toàn sức khỏe cho hơn 1.200 công nhân viên và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh liên tục.
– Các thuốc thương hiệu của Imexpharm phục vụ cho điều trị Covid-19 được phân phối rộng rãi đến các nhà thuốc bệnh viện.
– Hoạt động tài chính và quản trị rủi ro được thực hiện khá tốt, dòng vốn lưu động của công ty được quản lý tốt để đảm bảo cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
– Chiến lược tồn kho hợp lý giúp giảm rủi ro tăng giá nguyên vật liệu ảnh hưởng đến biên lợi nhuận.
– Chế độ, chính sách cho người lao động được duy trì ổn định.
– Các hoạt động bán hàng, Marketing, chăm sóc khách hàng được điều chỉnh linh hoạt để thích ứng với tình hình mới.

3. Chiến lược tổng quan của Imexpharm trong năm 2022

– Nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong năm 2022 là xét duyệt EU-GMP cho nhà máy IMP4.
– Đẩy mạnh số hóa trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
– Tái cơ cấu tổ chức, tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động.
– Nâng cao năng lực của các chi nhánh bán hàng.
– Duy trì và củng cố liên tục hệ thống quản trị chất lượng.

Bộ phận Quan hệ Nhà đầu tư (IR)
ĐC      : 63B-65B Đường số 2, Cư xá Lữ Gia, P.15, Q.11, Tp.HCM.
ĐT      : (+84) 28.3866.9856
Email  : ir@imexpharm.com