Đóng Menu

IMP: Bản Tin Nhà Đầu Tư tháng Quý III năm 2021

I. MÔI TRƯỜNG VĨ MÔ TRONG QUÝ III NĂM 2021 VÀ DỰ BÁO.

[dropcap]K[/dropcap]inh tế Việt Nam trong quý III năm 2021 lần đầu ghi nhận mức tăng trưởng âm kỷ lục 6,17%, đây là mức giảm sâu nhất của tổng sản phẩm quốc nội (GDP) kể từ khi Việt Nam tiến hành tính và báo cáo chỉ số này. Dịch vụ là khu vực giảm sâu nhất trong quý 3 với mức 9,28%, trong khi đó công nghiệp và xây dựng giảm 5,02%. Một tín hiệu lạc quan giữa những khó khăn của tình hình chung là ngành nông lâm thủy sản trong quý 3 tăng 1,04%.
GDP của 9 tháng năm 2021 chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực nông lâm thủy sản tăng 2,74% và chiếm tỷ trọng 12,79%; ngành công nghiệp và xây dựng tăng trưởng 3,57% và đóng góp 38,03% trong tổng GDP. Dịch vụ là ngành bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do đại dịch khi mà GDP 9 tháng của ngành này giảm 0,69% và chiếm tỷ trọng 40,19%, phần còn lại trong cơ cấu GDP là thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm, chiếm tỷ trọng 8,99%.
Trước những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 thì nông lâm thủy sản chính là ngành góp phần mang lại bệ đỡ cho nền kinh tế, tuy nhiên do ảnh hưởng của các lệnh hạn chế đi lại nên đã ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng – sản xuất – cung ứng và tiêu thụ.
Ngành dịch vụ đặc biệt là lĩnh vực bán lẻ, du lịch chịu ảnh hưởng mạnh do đại dịch. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 09 giảm 97%, trong khi đó bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng 9 tháng giảm 28,4%.
Tuy nhiên, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 9 tháng năm 2021 tăng 24,4% đạt 483 tỷ USD, trong đó xuất khẩu hàng hóa tăng 18,8% và nhập khẩu tăng 30,5%. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam trong 9 tháng với kim ngạch 69,8 tỷ USD, tăng 27,6% so với cùng kỳ năm trước, đứng ở vị trí thứ hai là Trung Quốc đạt 38,5 tỷ USD, tăng 18,3%. Thị trường EU đạt 28,8 tỷ USD, tăng 11,6%. (Nguồn: Tổng cục thống kê)
Dự báo tăng trưởng cả năm 2021 của Việt Nam theo báo cáo công bố vào tháng 9 của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) là 3,8%, con số này được điều chỉnh từ mức 5,8% trong báo cáo tháng 7. Trong khi đó, Ngân hàng thế giới (World Bank – WB) cho rằng triển vọng tăng trưởng năm 2021 của Việt Nam là 4,8% trong báo cáo tháng 9 dựa trên giả định rằng các hạn chế đi lại sẽ giúp kiểm soát dịch bệnh trong quý III và nền kinh tế sẽ bật lên trong quý IV, các năm sau đó WB dự báo tăng trưởng của Việt Nam sẽ ở mức 6,5-7%. Tuy nhiên, trong tháng 10, WB đã hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam xuống mức 2-2,5% trong năm 2021. Sự phục hồi của kinh tế toàn cầu đặc biệt là ở các thị trường xuất khẩu hàng hóa chính của Việt Nam là Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ tạo đà để kinh tế Việt Nam bứt phá trong những năm tới, tuy nhiên tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, do đó Việt Nam phải thích ứng an toàn với Covid-19 và tập trung khôi phục phát triển kinh tế.

II. NGÀNH DƯỢC VIỆT NAM TRONG QUÝ 3 NĂM 2021 VÀ DỰ BÁO

Các lệnh giãn cách và hạn chế di chuyển trong quý 3 đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành dược. Kênh ETC chịu ảnh hưởng nặng nề hơn kênh OTC khi mà người dân hạn chế đến bệnh viện. Tuy nhiên, kênh OTC cũng gặp khó khăn do việc sản xuất – cung ứng và tiêu thụ có phần bị gián đoạn trong quý 3.
Ngành dược chịu nhiều tác động từ việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, giá vận chuyển quốc tế tăng cao, rủi ro về tăng giá nguyên vật liệu là rất lớn.
Ngành dược Việt Nam năm 2020 tăng trưởng thấp, chỉ ở mức 3% (Nguồn: Báo cáo nghiên cứu SSI), đầu năm 2021 Fitch Solutions dự báo ngành dược sẽ tăng trưởng ở mức 8,7% trong năm nay. Tuy nhiên, đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4 đã làm cho ngành dược bị chững lại trong quý 3/2021.
Các biện pháp thích ứng an toàn cùng với sự phục hồi chung của kinh tế toàn cầu nhờ vào chiến lược tiêm chủng sẽ giúp ngành dược lấy lại đà tăng trưởng trong năm 2022.
Bên cạnh đó, tỷ lệ già hóa dân số, bệnh tật phát sinh ngày càng nhiều, nhu cầu về thuốc sẽ gia tăng trong những năm sắp tới. Thuốc ngoại vẫn chiếm ưu thế ở phân khúc thuốc giá trị cao. Theo báo cáo của Tổng cục hải quan trong năm 2020, Việt Nam nhập khẩu 3,3 tỷ USD dược phẩm, tăng trưởng 7,4% so với cùng kỳ, tốc độ tăng trưởng kép của dược phẩm nhập khẩu trong giai đoạn 2018-2020 là 9%. Sản xuất thuốc nội địa đáp ứng khoảng 47% nhu cầu trong nước. Chính vì vậy, việc nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến công nghệ sản xuất, đẩy mạnh hoạt động chuyển giao công nghệ luôn là mối quan tâm của các doanh nghiệp dược để có thể từng bước thay thế các sản phẩm ngoại nhập. Tuy nhiên, năng lực nghiên cứu và phát triển của các doanh nghiệp dược trong nước vẫn còn hạn chế. Do đó, hoạt động M&A có thể phần nào giúp các doanh nghiệp dược trong nước giải quyết bài toán về sản phẩm và quy trình sản xuất, tuy nhiên nó cũng đi kèm với rủi ro thâu tóm và bị kiểm soát bởi các doanh nghiệp ngoại dồi dào về vốn và công nghệ.
Ngoài ra, vấn đề nguyên vật liệu cũng là mối quan tâm của các doanh nghiệp dược khi mà tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và đặc biệt là khủng hoảng năng lượng ở Trung Quốc khiến giá điện tăng; đồng thời Trung Quốc cũng siết chặt các quy định về bảo vệ môi trường và tình trạng ngập lụt cũng đang đe dọa sản xuất ở một số vùng của nước này, do đó giá nguyên vật liệu được dự báo là sẽ tăng trong những tháng cuối 2021 và xu hướng này sẽ còn tiếp diễn trong năm 2022.

III. DIỄN BIẾN CỔ PHIẾU IMEXPHARM QUÝ III NĂM 2021

Tổng khối lượng giao dịch cổ phiếu IMP trong quý III năm 2021 đạt 1.524.481 cổ phiếu trong đó có 968.800 cổ phiếu được giao dịch khớp lệnh và 555.681 cổ phiếu được giao dịch thỏa thuận. Trung bình mỗi ngày trong quý 3/2021 có 23.820 cổ phiếu được giao dịch. Giao dịch cổ phiếu IMP trong quý 3 năm 2021 chỉ bằng khoảng 19% so với cùng kỳ năm 2020. Những ảnh hưởng từ các lệnh giãn cách, cùng với hoạt động kinh doanh gặp khó khăn do dịch bệnh gây ra làm cho cổ phiếu IMP giao dịch có phần trầm lắng. Khối lượng giao dịch khớp lệnh trong quý 3/2021 giảm 85% so với cùng kỳ và khối lượng giao dịch thỏa thuận giảm hơn 64%. Giá đóng cửa của phiên giao dịch cuối cùng trong tháng 09/2021 là 73.000, giảm 6.800 đồng/cổ phiếu so với giá đóng cửa của phiên cuối tháng 06/2021.

IV. HOẠT ĐỘNG IMEXPHARM QUÝ III NĂM 2021
STT Chỉ tiêu Lũy kế 9th2021 % KH 2021 Lũy kế 9th2020 Tăng trưởng
I Kết quả hoạt động (tỷ đồng)      
1 Tổng doanh thu và thu nhập 885,4 57,9% 893,4 -0,9%
2 Doanh thu thuần 870,1 882,4 -1,4%
3 Lợi nhuận hoạt động kinh doanh 150,9 164,8 -8,4%
4 Lợi nhuận trước thuế 155,1 53,4% 167,3 -7,3%
5 Lợi nhuận sau thuế 122,5 139,3 -12,1%
II Tài sản – Nguồn vốn (tỷ đồng)        
1 Tổng tài sản 2.152,6 2.072,2 3,9%
2 Vốn chủ sở hữu 1.727,8 1.632,6 5,8%
3 Vốn điều lệ 667,1 642,4 3,8%
III Khả năng thanh toán (lần)        
1 Khả năng thanh toán ngắn hạn 3,2 2,3 0,9 lần
2 Khả năng thanh toán nhanh 1,8 1,3 0,5 lần
IV Khả năng sinh lợi        
1   Lợi nhuận trước thuế/Doanh thu thuần 17,8% 19,0% -1,2%
2 ROS 14,1% 15,8% -1,7%
3 ROE (4 quý gần nhất) 11,5% 12,2% -0,7%
4 ROA (4 quý gần nhất) 9,1% 9,9% -0,8%
5 EPS (điều chỉnh) 4 quý gần nhất 2.600 2.555 1,8%
6 BV (đồng) điều chỉnh 24.806 24.309 2,0%
7 P/E (lần) điều chỉnh 28 18 10 Lần
8 P/B (lần) điều chỉnh 2,9 1,9 1 lần
Giá thị trường ngày 30/09 (đồng) 73.000 47.100 55%

Như đã dự báo vào đầu quý 3, khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, doanh thu thuần và thu nhập khác của Imexpharm trong quý sẽ giảm mạnh. Cụ thể, tổng doanh thu thuần và thu nhập trong quý III giảm 11,7%, mức giảm cao nhất ghi nhận trong nhiều năm hoạt động kinh doanh của công ty. Dịch bệnh làm cho hoạt động sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ nên doanh số của Imexpharm trong quý 3 sụt giảm nghiêm trọng. Chi phí sản xuất gia tăng do áp dụng các mô hình sản xuất 3 và 4 tại chỗ dẫn đến lợi nhuận trước thuế trong quý 3 giảm 32,6%.
Xét về tổng doanh thu lũy kế đến tháng 09 năm 2021, tổng doanh thu thuần và thu nhập khác của Imexpharm đạt 885,4 tỷ đồng, giảm 0,9% so với cùng kỳ và đạt 57,9% so với kế hoạch. Trong đó doanh thu thuần đạt 870,1 tỷ đồng, giảm 1,4% so với con số 9 tháng của năm 2020. Lợi nhuận trước thuế 9 tháng ghi nhận ở mức 155,1 tỷ đồng, giảm 7,3% so với cùng kỳ và bằng 53,4% kế hoạch năm.
Giá vốn hàng bán của 9 tháng 2021 giảm 2,4% so với cùng kỳ, trong khi chi phí quản lý gần như giữ ổn định thì chi phí bán hàng tăng 12,3%, do các khoản chi trước đợt dịch thứ 4 để thúc đẩy doanh số bán hàng. Bên cạnh đó, giá vốn hàng bán được kỳ vọng sẽ giảm nhiều so với tốc độ giảm của doanh thu thuần để giữ mức tăng trưởng lợi nhuận vì công ty tập trung vào sản xuất các mặt hàng chủ lực, mang lại hiệu quả cao, tuy nhiên các chi phí để duy trì sản xuất an toàn theo các mô hình mà chính quyền địa phương khuyến nghị đã làm cho giá thành sản phẩm tăng và biên lợi nhuận không đạt yêu cầu đề ra. Do đó, tốc độ giảm của lợi nhuận nhanh hơn doanh thu.
Tổng tài sản và tổng vốn chủ sở hữu tăng nhẹ so với cùng kỳ. Vốn điều lệ cũng tăng nhẹ do trong quý 3/2020, cổ phiếu ESOP do Imexpharm phát hành chưa được ghi nhận nên vốn điều lệ lúc này chưa điều chỉnh.
Tuy tình hình dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp, nhu cầu vốn lưu động tăng cao, nhưng khả năng thanh toán của Imexpharm vẫn giữ ở mức khá an toàn và có phần cải thiện so với quý 3 năm 2020. Chỉ số thanh toán nhanh tăng 0,5 lần, chỉ số thanh toán ngắn hạn tăng 0,9 lần.
Do lợi nhuận giảm nên các chỉ số sinh lời đều giảm điểm phần trăm so với cùng kỳ. EPS theo chu kỳ 365 ngày kết thúc vào quý 3/2021 đạt 2.600 đồng, tăng nhẹ 1,8% so với cùng kỳ. Tương tự, BV tăng khoảng 2%. Do giá đóng cửa cổ phiếu IMP trong quý 3/2021 tăng 55% so với thời điểm kết thúc quý 3 nên P/E tăng mạnh khoảng 10 lần, P/B tăng 1 lần so với cùng kỳ.

V. CÔNG TÁC TRỌNG TÂM QUÝ III VÀ KẾ HOẠCH QUÝ IV/2021

Trong quý IV nhiệm vụ hàng đầu của Imexpharm vẫn sẽ là sản xuất và kinh doanh an toàn. Hiện tại Imexpharm vẫn duy trì sản xuất 3 và 4 tại chỗ tại các nhà máy, hoạt động của các trình dược viên luôn tuân thủ các khuyến cáo của Bộ Y tế nhằm bảo vệ sức khỏe cho tất cả các nhân viên của Imexpharm.
Công ty theo sát tiến độ xét duyệt tiêu chuẩn EU-GMP cho nhà máy IMP4 và kỳ vọng nhà máy sẽ được cấp giấy chứng nhận 6 tháng đầu năm 2022.
Tuy các lệnh hạn chế đi lại được nới lỏng nhưng các hoạt động thúc đẩy bán hàng, hoạt động marketing vẫn chưa được khởi động lại do vẫn còn phải tuân thủ giãn cách tại một số địa phương. Imexpharm vẫn tích cực thực hiện các hoạt động trực tuyến để thúc đẩy tăng doanh số.
Ngoài ra, tình hình công nợ và tồn kho trong những tháng cuối năm vẫn phải được kiểm soát chặt để từng bước rút ngắn chu kỳ hoạt động của Công ty.