Đóng Menu

IMP: Bản Tin Nhà Đầu Tư tháng Quý I năm 2022

I. MÔI TRƯỜNG VĨ MÔ TRONG NGÀNH DƯỢC TRONG QUÝ I NĂM 2022

Kinh tế Việt Nam trong quý I/2022 dần phục hồi khi dịch bệnh được kiểm soát và có những chuyển biến theo hướng tích cực. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý 1 tăng trưởng khoảng 5,03% so với cùng kỳ. Tốc độ tăng của GDP Q1/2022 tuy có cao hơn so với quý Q1/2021 và Q1/2020, nhưng vẫn thấp hơn so với thời điểm trước khi dịch bệnh bùng phát. Động lực tăng trưởng chính vẫn là khu vực công nghiệp và xây dựng, chiếm 37,97% GDP, tăng trưởng 6,38%. Ngành nông, lâm, ngư nghiệp tăng trưởng 2,45%, chiếm 10,94% GDP. Điểm đáng chú ý là ngành dịch vụ bước đầu lấy lại đà tăng trưởng. Trong quý 1/2022, khu vực dịch vụ tăng 4,58% và đóng góp 41,7% trong tổng GDP. Ngoài ra, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,39% GDP.

Hoạt động xuất nhập khẩu được phục hồi mạnh mẽ trong Q1/2022. Tính đến cuối tháng 03/2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 176,35 tỷ USD tăng trưởng 14,4% so với cùng kỳ. Việt Nam xuất siêu trong Q1/2022 khi kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước đạt 88,58 tỷ USD, tăng 12,9% và kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 87,77 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước.

Mặc dù đồng USD có xu hướng tăng và lãi suất huy động ở một số ngân hàng cũng tăng vào tháng 03/2022, tuy nhiên về cơ bản thì tỷ giá và lãi suất trong quý 1/2022 vẫn được giữ ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh sau thời gian ngưng trệ do dịch bệnh.

Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức trong giai đoạn phục hồi khi mà tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp ở Việt Nam và nhiều nơi trên thế giới. Thêm vào đó là việc lạm phát gia tăng do nhu cầu tăng ở giai đoạn sau đại dịch, và chi phí đầu vào tăng do giá cả hàng hóa và dịch vụ trên thế giới tăng mạnh. Đặc biệt là tình trạng leo thang của giá nhiên liệu, có thể đẩy lạm phát cao hơn trong các quý tiếp theo của năm 2022.

Năm 2021, ngành dược chịu nhiều ảnh hưởng do đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 tại Việt Nam. Theo số liệu của Bộ Y tế, Việt Nam ghi nhận hơn 1,7 triệu ca nhiễm Covid từ 27/04/2021 đến 31/12/2021. Nhu cầu về các loại thuốc hỗ trợ điều trị Covid tăng cao, có thể mở ra triển vọng tăng trưởng cho ngành dược trong năm 2022. Bên cạnh đó, ngoài Covid-19, các bệnh lý khác và tình trạng già hóa dân số vẫn là những động lực thúc đẩy ngành dược tăng trưởng. Theo dự báo của FPTS, ngành dược Việt Nam trong năm 2022 sẽ tăng trưởng khoảng 9,2% và ước đạt: 141,4 nghìn tỷ đồng. Trong đó kênh bán lẻ tăng từ 5-8% và đạt khoảng 80 nghìn tỷ, trong khi kênh bệnh viện ước đạt 60 nghìn tỷ và tăng trưởng 8-10,5%. Kênh bệnh viện dự đoán sẽ tăng trưởng tích cực trong năm 2022 khi mà Việt Nam dần thích ứng an toàn với dịch Covid-19 và những di chứng hậu Covid-19 có thể dẫn đến nhu cầu thuốc điều trị tăng cao.

Trong quý 1/2022, các doanh nghiệp dược dần lấy lại đà tăng trưởng ở kênh bệnh viện khi mà các lệnh hạn chế đi lại được dỡ bỏ, đồng thời hoạt động sản xuất gần như được phục hồi hoàn toàn, công suất của các nhà máy có thể trở về giai đoạn như trước đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4. Tuy nhiên, tình hình giá cả leo thang, thêm vào đó là các lệnh phong tỏa ở Trung Quốc có thể làm cho chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục đứt gãy, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và biên lợi nhuận của các doanh nghiệp dược.

II. DIỄN BIẾN CỔ PHIẾU IMEXPHARM QUÝ I NĂM 2022

Trong quý I/2022, có 11.621.547 cổ phiếu IMP được giao dịch, mà chiếm đa số là giao dịch thỏa thuận của cổ đông lớn KWE Beteiligungen AG (KWE) và một số cổ đông khác. Sau khi bán 10.112.023 cổ phiếu trong tháng 02/2022, KWE không còn là cổ đông lớn của Imexpharm. Đồng thời trong quý 1/2022, cổ đông lớn SK Investment Vina III cũng nâng tỷ lệ sở hữu tại Imexpharm lên 46,47%. Tính đến hết ngày 31/03/2022, Imexpharm có 4 cổ đông sở hữu trên 5% số cổ phiếu đang lưu hành bao gồm: SK Investment Vina III (46,47%), Tổng công ty Dược Việt Nam-CTCP (22,03%), Công ty Cổ phần đầu tư Bình Minh Kim (9,69%), Công ty Cổ phần đầu tư KBA (7,37%).
Giao dịch khớp lệnh trong quý I/2022 đạt: 543.800 cổ phiếu, chỉ bằng khoảng 14% khối lượng khớp lệnh của quý 1/2021. Giá đóng cửa cao nhất trong quý 1/2022 cổ phiếu IMP là 86.400 đồng/cổ phiếu, trong khi giá thấp nhất là 74.300 đồng/cổ phiếu. Sự thay đổi của cơ cấu cổ đông và giá cổ phiếu tăng mạnh làm cho giao dịch khớp lệnh của IMP trở nên trầm lắng trong quý 1/2022.

III. HOẠT ĐỘNG IMEXPHARM QUÝ I NĂM 2022

 

STT Chỉ tiêu Q1/2022 % KH 2022 Q1/2021 Tăng trưởng
I Kết quả hoạt động (tỷ đồng)      
1 Tổng doanh thu và thu nhập 317,3 21,9% 301,1 5,4%
2 Doanh thu thuần 314,2 296,4 6,0%
3 Lợi nhuận hoạt động kinh doanh 65,9 52,7 25,0%
4 Lợi nhuận trước thuế 66,0 24% 55,2 19,6%
5 Lợi nhuận sau thuế 52,6 41,9 25,5%
II Tài sản – Nguồn vốn (tỷ đồng)        
1 Tổng tài sản 2.164,2 2.184,5 (0,9)%
2 Vốn chủ sở hữu 1,847,0 1.772,3 4,2%
3 Vốn điều lệ 667,1 667,1  0%
III Khả năng thanh toán (lần)        
1 Khả năng thanh toán ngắn hạn 3,3  5,2 (1,9) lần
2 Khả năng thanh toán nhanh 1,8 3,2 (1,4) lần
IV Khả năng sinh lợi        
1   Lợi nhuận trước thuế/Doanh thu thuần 21,0% 18,6% 2,4%
2 ROS 16,7%   14,1% 2,6%
3 ROE (4 quý gần nhất) 11,1% 12,5% (1,4)%
4 ROA (4 quý gần nhất) 9,2% 10,5% (1,3)%
5 EPS (cơ bản) 4 quý gần nhất 2.680 2.767 (3,1)%
6 BV (đồng) 27.703 26.583 4,2%
7 P/E (lần) 28 26,6 1,4 lần
8 P/B (lần) 2,7 2,8 (0,1) lần
Giá thị trường ngày 31/03 (đồng) 75.000 73.500 2,0%

Hoạt động sản xuất kinh doanh của Imexpharm dần được phục hồi sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Tổng doanh thu và thu nhập của Công ty trong quý 1/2022 đạt 317,3 tỷ đồng, tăng trưởng 5,4% so với cùng kỳ, nếu so với dự thảo kế hoạch đệ trình ĐHĐCĐ của Ban điều hành là 1.450 tỷ đồng thì tổng doanh thu và thu nhập trong quý 1/2022 ước đạt 21,9%.
Trong quý 1/2022 hầu như doanh thu của Imexpharm đều đến từ việc phân phối hàng công ty tự sản xuất, không có hàng xuất khẩu hay nhượng quyền, tỷ trọng hàng mua khác rất thấp trong cơ cấu doanh thu. Mặc dù, doanh số Imexpharm tăng trưởng trong quý 1/2022 nhưng kênh ETC vẫn chưa phục hồi và vẫn giảm sâu 43,8%, nhưng bù lại OTC tăng trưởng 33,8%. Tỷ trọng OTC/ETC cuối tháng 03/2021 là 83,2%/16,8%.
Lợi nhuận của Imexpharm trong quý 1/2022 đã tăng mạnh. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng 25% so với quý 1/2021. Trong khi đó, lợi nhuận trước thuế đạt 66 tỷ đồng, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm 2021. Nếu so với con số kế hoạch dự kiến cho lợi nhuận trước thuế là 275 tỷ thì lợi nhuận của quý 1 đạt 24% so với kế hoạch đề ra. Biên lãi gộp của Imexpharm trong quý 1/2022 cũng tăng 3,6 điểm phần trăm so với quý 1/2021.
Chi phí bán hàng và chi phí quản lý trong quý 1/2022 tăng lần lượt 7,8% và 10,6% so với cùng kỳ 2021. Các hoạt động dần được khôi phục nên chi phí bán hàng và quản lý sẽ tăng lên, nhưng mức tăng này vẫn nằm trong tầm kiểm soát và phù hợp chiến lược của Imexpharm.
Tổng tài sản của Imexpharm giảm nhẹ gần 1% do nợ vay của Công ty đã giảm xuống so với thời điểm đầu năm 2021. Tuy nhiên vốn chủ sở hữu của Imexpharm tăng nhẹ 4,2%.
Khả năng thanh toán ngắn hạn và thanh toán nhanh của Imexpharm tại ngày 31/03/2022 là 3,3 và 1,8 giảm so với cùng kỳ 2021. Việc chỉ số thanh khoản ngắn hạn trong năm 2021 cao bất thường là do khoản vay dài hạn của ADB được giải ngân vào quý 1. Tuy các chỉ số thanh toán ngắn hạn và thanh toán nhanh giảm nhưng vẫn được giữ ở mức rất an toàn, phù hợp với chiến lược quản lý vốn lưu động thận trọng của Công ty.
Do lợi nhuận trong quý 1/2022 tăng đáng kể nên các chỉ số sinh lời: lợi nhuận trước thuế/doanh thu thuần, ROS tăng so với cùng kỳ. Tuy nhiên, do lợi nhuận sụt giảm trong năm 2021 nên ROA, ROE, EPS nếu tính theo 4 quý gần nhất thì vẫn giảm so với quý 1/2021.
Do EPS 4 quý gần nhất giảm và giá đóng cửa tăng nên P/E tăng 1,4 lần so với cùng kỳ, P/B giảm nhẹ 0,1 lần. Giá cổ phiếu đóng cửa tại ngày 31/03/2022 là 75.000, tăng nhẹ 2% so với giá đóng cửa của phiên cuối cùng của quý 1/2021.

IV. KẾ HOẠCH QUÝ II/2022

Tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, do đó Imexpharm vẫn tiếp tục thực hiện việc sản xuất kinh doanh an toàn trong điều kiện có dịch Covid 19.
Lạm phát đang có xu hướng tăng nhanh sau đại dịch, giá nhiên liệu tăng cao là những nhân tố có thể làm cho nguyên liệu đầu vào tăng giá, gây ảnh hưởng đến lợi nhuận của Công ty. Do đó, Imexpharm vẫn theo chiến lược tích trữ tồn kho để đảm bảo hoạt động sản xuất được diễn ra liên tục, thông suốt đồng thời giữ ổn định biên lợi nhuận.
Ngày 25/04/2022, Cuôc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 sẽ được Imexpharm tổ chức tại trụ sở chính của Công ty, HĐQT sẽ giám sát việc tổ chức này để đảm bảo Đại hội được diễn ra thành công tốt đẹp.

Bộ phận Quan hệ Nhà đầu tư (IR)
ĐC      : 63B-65B Đường số 2, Cư xá Lữ Gia, P.15, Q.11, Tp.HCM.
ĐT      : (+84) 28.3866.9856
Email  : ir@imexpharm.com