Đóng Menu

Bản Tin Nhà Đầu Tư tháng Quý IV năm 2020

I. KINH TẾ VIỆT NAM TRONG NĂM 2020, CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC NĂM 2021

Năm 2020, Việt Nam trở thành một trong những điểm sáng về tăng trưởng kinh tế của toàn cầu, cụ thể tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam tăng 2,9% trong khi đó theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), kinh tế thế giới có thể giảm ít nhất 4% đà tăng trưởng do tác động của đại dịch Covid-19. Khả năng khống chế tốt được dịch bệnh, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh đã góp phần giúp Việt Nam vượt qua những tác động tiêu cực của dịch bệnh. Tuy nhiên cũng phải thừa nhận rằng, mức tăng trưởng trong năm 2020 là mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại. Tỷ trọng đóng góp của các khu vực cụ thể như sau: đứng đầu là khu vực công nghiệp và xây dựng: 53%, tiếp đến là khu vực dịch vụ: 33,5% và cuối cùng là nông lâm nghiệp 13,5%.
Năng suất lao động của người Việt bắt đầu tăng lên. Năm 2020 theo số liệu báo cáo của tổng cục thống kê, năng suất lao động hiện hành là 5.081 USD/lao động, tăng 291 USD/lao động so với năm 2019. Tín hiệu đáng mừng này cho thấy năng suất lao động được cải thiện theo chiều hướng tích cực, tay nghề lao động ngày càng được nâng cao. Trong bối cảnh đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu, trong năm 2020 ước tính Việt Nam xuất siêu 19,1 tỷ USD tăng 8,2 tỷ so với cùng kỳ năm 2019. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong năm 2020 với giá trị xuất đạt 76,4 tỷ tăng 24,5% so với cùng kỳ; kế đến là Trung Quốc đạt 48,5 tỷ USD, tăng 17,1%; thị trường EU đạt 34,8 tỷ USD, giảm 2,7%; thị trường ASEAN đạt 23,1 tỷ USD, giảm 8,7%; Nhật Bản đạt 19,2 tỷ USD, giảm 5,7%; Hàn Quốc đạt 18,7 tỷ USD, giảm 5,1%. Về thị trường nhập khẩu hàng hóa năm nay, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 83,9 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm trước; tiếp theo là Hàn Quốc đạt 46,3 tỷ USD, giảm 1,5%; thị trường ASEAN đạt 30 tỷ USD, giảm 6,9%; Nhật Bản đạt 20,5 tỷ USD, tăng 5%; thị trường EU đạt 14,5 tỷ USD, tăng 3,5%; Hoa Kỳ đạt 13,7 tỷ USD, giảm 4,9%.
Việt Nam vẫn kiên trì thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế và những chính sách của Chính phủ Việt Nam đến thời điểm này là hết sức đúng đắn thể hiện rõ qua bức tranh kinh tế ấn tượng của năm 2020. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và gắn chặt với sự phát triển của kinh tế thế giới nên Việt Nam chỉ có thể phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng như trước đây khi mà dịch bệnh được đẩy lùi trên phạm vi toàn cầu.
Trong năm 2021, dự báo kinh tế của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng khả quan. Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới, kinh tế Việt Nam sẽ tăng 6,8% trong khi đó quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng của Việt Nam ở mức 6,5%. Tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV Chính phủ đã đưa ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế là 6%, đây là mức chỉ tiêu được thiết lập một cách thận trọng, và có thể thấp hơn tiềm lực vốn có của Việt Nam nhưng nó xuất phát từ việc tăng trưởng thấp trong năm 2020 và những diễn biến rất khó lường của nền kinh tế toàn cầu.

II. TÌNH HÌNH NGÀNH DƯỢC VIỆT NAM NĂM 2020 VÀ DỰ BÁO NĂM 2021

Ngành dược cũng giống như những ngành kinh doanh khác đều chịu tác động chung của đại dịch mặc dù dược phẩm là mặt hàng thiết yếu. Theo khảo sát được thực hiện trong năm 2020 của Vietnam report thì có đến 64,3% doanh nghiệp dược đánh giá tác động của dịch bệnh Covid-19 lên ngành là nghiêm trong vừa phải, trong khi đó 7,1% doanh nghiệp đánh giá tác động nghiêm trọng và 28,6% doanh nghiệp đánh giá tác động ít. Cũng theo khảo sát khó khăn chủ yếu mà các doanh nghiệp dược gặp phải là do nhu cầu sử dụng dược phẩm thay đổi, các mặt hàng thuốc không thiết yếu có xu hướng giảm trong khi các loại thuốc giảm đau, hạ sốt và vitamin được tăng cường mua cùng với các vật tư y tế như khẩu trang, nước sát khuẩn. Bên cạnh đó, việc Chính phủ siết chặt các quy định phòng dịch, đặ biệt là ở các bệnh viện gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kênh ETC vì đa phần người dân hạn chế đi đến bệnh viện. Các doanh nghiệp cũng gặp khó khăn khi chuỗi cung ứng trong kinh doanh bị đứt gãy, khó tìm mua nguyên liệu đầu vào khi mà hầu hết các nguyên liệu dược của Việt Nam đều nhập khẩu ở nước ngoài mà chủ yếu là Trung Quốc và Ấn Độ. Bên cạnh những khó khăn, thì ngành y dược Việt nam cũng có những điểm sáng, đáng được ca ngợi. Cụ thể, công tác chống dịch của Chính phủ và Bộ Y tế Việt Nam rất hiệu quả, Việt Nam vẫn kiểm soát được dịch bệnh trong năm 2020 và dược phẩm của Việt Nam đủ đáp ứng nhu cầu trong nước và còn có thể xuất khẩu.

III. DIỄN BIẾN CỔ PHIẾU IMEXPHARM

Trong năm 2020, nếu không tính các cổ phiếu được giao dịch thông qua Ủy Ban chứng khoán nhà nước thì có 24.296.972 cổ phiếu IMP được giao dịch. Đây là con số giao dịch ấn tượng của cổ phiếu IMP, khi mà khối lượng giao dịch của năm 2020 tăng 3,7 lần so với năm 2019. Số lượng cổ phiếu được khớp lệnh trong năm là 21.965.300 cổ phiếu và có 2,331,672 cổ phiếu được giao dịch theo hình thức thỏa thuận. Sự xuất hiện của cổ đông chiến lược-Tập đoàn SK làm cho cổ phiếu IMP trở nên hấp dẫn hơn, thêm vào đó là sự kỳ vọng của nhà đầu tư vào khả năng chống chịu và phục hồi nhanh của các cổ phiếu dược phẩm sau khủng hoảng. Trong năm 2020, Imexpharm đã phát hành cổ phiếu chia cổ tức (10%), cổ phiếu thưởng (20%) và cổ phiếu ESOP (5%). Tính đến ngày 31/12/2020, có 66.671.570 cổ phiếu IMP đang lưu hành.

IV. HOẠT ĐỘNG IMEXPHARM NĂM 2020 VÀ MỤC TIÊU TỔNG QUAN 2021

  1. Kết quả hoạt động kinh doanh năm 2020
STT Chỉ tiêu 2020 % KH 2020 2019 Tăng trưởng
I Kết quả hoạt động (tỷ đồng)      
1 Tổng doanh thu và thu nhập 1.382,3 79% 1.420,7 (2,7%)
2 Doanh thu thuần 1.369,4 1.402,5 (2,4%)
3 Lợi nhuận hoạt động kinh doanh 252,5 194,4 29,9%
5 Lợi nhuận trước thuế 255,4 98,2% 202,4 26,1%
6 Lợi nhuận sau thuế 209,7   162,4 29,1%
II Tài sản – Nguồn vốn (tỷ đồng)        
1 Tổng tài sản 2.096,5 1.847,2 13,5%
2 Vốn chủ sở hữu 1.730,5 1.558,9 11,0%
3 Vốn điều lệ 667,1 494,2 35,0%
III Khả năng thanh toán (lần)        
1 Khả năng thanh toán ngắn hạn 2,8 3  (0,2) lần
2 Khả năng thanh toán nhanh 1,6   1,6 (0.0) lần
IV Khả năng sinh lợi        
1 Lợi nhuận trước thuế/Doanh thu thuần 18,7% 14,4% 4,3%
2 ROS   15,3% 11,6% 3,7%
3 ROE 12,8% 10,6% 2,2%
4 ROA 10,6% 9% 1,6%
5 EPS điều chỉnh 3.245 2.528 28,3%
6 BV (đồng) 26.782   24.281     10,3%
7 P/E (lần) 17,3   17 0,3 lần
8 P/B (lần) 2,1   1,8  0,3 lần
Giá thị trường ngày 31/12 (đồng) 56.300   42.900 31,2%

Tổng doanh thu và thu nhập của Imexpharm trong năm 2020 đạt 1.382,3 tỷ đồng, giảm 2,7% so với năm 2019 và bằng 79% kế hoạch năm. Doanh thu giảm theo xu hướng chung của thị trường trong một năm đầy biến động của nền kinh tế Việt Nam cũng như kinh tế toàn cầu. Doanh thu thuần cũng giảm tương ứng 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Hàng Imexpharm vẫn giữ vai trò chủ đạo trong cơ cấu doanh thu, chiếm khoảng 93,4%. Doanh thu của hàng nhượng quyền trong năm 2020 giảm 26,1% so với năm 2019, tương ứng với mức giảm 25,1 tỷ đồng. Doanh thu OTC năm 2020 cũng bị sụt giảm nghiêm trọng ở mức 10,5% do ảnh hưởng từ việc giảm tổng cầu, đặc biệt trong quý 2 và quý 3. Mặc dù doanh thu kênh ETC tăng 20,1% nhưng cũng không bù đắp được cho việc doanh số OTC giảm.
Tuy nhiên, điểm sáng trong hoạt động của Imexpharm năm 2020 là lợi nhuận tăng trưởng ổn định. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế tăng 26,1% và lợi nhuận sau thuế tăng 29,1%. Imexpharm không trích Quỹ khoa học công nghệ trong năm 2020.
Giá vốn hàng bán năm 2020 giảm gần 6% so với cùng kỳ nhờ vào việc tái cơ cấu lại danh mục sản phẩm, tập trung vào các mặt hàng có biên lợi nhuận cao, đồng thời việc tích trữ hàng tồn kho để đối phó với tình trạng tăng giá nguyên liệu cũng góp phần giữ ổn định giá thành sản phẩm. Chi phí bán hàng và chi phí quản lý cũng được kiểm soát tốt. Chi phí bán hàng trong năm 2020 giảm 5,3% so với cùng kỳ trong khi đó chi phí quản lý giảm 28,5%. Nhìn chung Imexpharm đã kiểm soát tốt hoạt động của mình trong một năm đầy thách thức.
Bên cạnh lợi nhuận thì tổng tài sản và vốn chủ sở hữu đều tăng so với năm 2019. Tổng tài sản tăng 13,5% do việc ghi nhận máy móc thiết bị của nhà máy IMP4 cũng như nhà máy sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Vốn chủ sở hữu tăng do việc tăng lợi nhuận. Vốn điều lệ cũng tăng do Imexpharm phát hành cổ phiếu trả cổ tức, cổ phiếu thưởng và ESOP.
Khả năng thanh toán ngắn hạn của công ty trong quý 4 được cải thiện so với quý 3 nhờ vào việc giảm các khoản vay và nợ tài chính ngắn hạn, tuy nhiên chỉ số này giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2019. Khả năng thanh toán nhanh được giữ ổn định so với năm 2019.
Do lợi nhuận tăng trưởng tốt nên các chỉ số sinh lời của Imexpharm đều được cải thiện so với năm 2019. Chỉ số ROS tăng 3,7% trong khi ROE, ROA tăng lần lượt 2,2% và 1,6%. EPS sau khi điều chỉnh số cổ phiếu của năm 2019 tăng 28,3%. Các chỉ số P/E, P/B tăng nhẹ so với cùng kỳ.

2. Cập nhật thông tin hoạt động nổi bật của Imexpharm năm 2020

Trong năm 2020, các hoạt động chủ yếu của Imexpharm tập trung vào việc ứng phó với dịch bệnh. Trước hết là đảm bảo an toàn cho cán bộ công nhân viên, đặc biệt là những người có nguy cơ lây nhiễm cao, đồng thời tăng cường tuyên truyền phòng dịch và trang bị khẩu trang, nước sát khuẩn cho toàn thể nhân viên.
Ngoài ra hoạt động quản trị rủi ro cũng được công ty tập trung thực hiện. Imexpharm phải tập trung kiểm soát chặt chẽ chi phí và dòng tiền để đối phó với những diễn biến bất thường của thị trường. Các hoạt động marketing dành cho kênh OTC và ETC bị ngưng trệ do ảnh hưởng của các lệnh cách ly. Tuy nhiên, Imexpharm đã cố gắng hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận trong bối cánh doanh thu bị sụt giảm do ảnh hưởng chung của thị trường.
Năm 2020, Imexpharm cũng đã có cổ đông chiến lược là Tập đoàn đa ngành SK của Hàn Quốc. Sự có mặt của SK được kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều thuận lợi cho Imexpharm trong việc tiếp cận những công nghệ tiên tiến cũng như hỗ trợ công ty trong việc đa dạng hóa nhà cung cấp trên phạm vi toàn cầu.
Để bổ sung vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, Imexpharm đã thực hiện ký kết hợp đồng tín dụng với Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) trong năm 2020 với giá trị 8 triệu USD. Sự hỗ trợ của ADB sẽ giúp Imexpharm chủ động hơn trong việc mua nguyên vật liệu để đáp ứng nhu cầu sản xuất liên tục. Việc được ADB chấp thuận cho vay một lần nữa thể hiện được sự uy tín của thương hiệu Imexpharm.

3. Chiến lược tổng quan của Imexpharm trong năm 2021

Trong năm 2021, Imexpharm tiếp tục thực hiện mục tiêu chiến lược của mình là xúc tiến để hoàn thành xét duyệt EU-GMP NM IMP4, đẩy mạnh hoạt động bán hàng ở kênh ETC, đăng ký xin visa châu Âu cho nhiều sản phẩm để tăng cường cạnh tranh ở nhóm 1. Ngoài ra, công ty sẽ tiếp tục cải thiện doanh mục sản phẩm OTC, tập trung vào các sản phẩm có hiệu quả.
Việc kiểm soát chi phí, dòng tiền cũng phải được thực hiện chặt chẽ. Những biến động tình hình trong nước cũng như thế giới sẽ tiếp tục khó lường trong năm 2021 do đó công ty sẽ tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển ổn định, bền vững và thận trọng trong tình hình có nhiều biến động bất thường.
Đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế với đối tác chiến lược và các đối tác khác để tạo ra các giá trị bền vững và giảm rủi ro cho công ty ở khâu nguyên liệu đầu vào cũng như tìm kiếm thị trường xuất khẩu để thúc đẩy tăng trưởng.
Theo dõi tình hình biến động của giá nguyên vật liệu và có các biện pháp kịp thời để đối phó với tình hình tăng giá nguyên vật liệu. Đồng thời công ty cũng quản lý chặt chẽ hàng tồn kho, nhằm tránh tình hình tồn kho quá cao ảnh hưởng đến dòng tiền của Công ty.