Đóng Menu

Bản Tin Nhà Đầu Tư tháng Quý II năm 2021

I. MÔI TRƯỜNG VĨ MÔ TRONG QUÝ II NĂM 2021 VÀ DỰ BÁO.

Mặc dù tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp vào đầu quý III nhưng kinh tế Việt Nam trong quý 2 vẫn tăng trưởng tích cực và ghi nhận nhiều điểm sáng. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý II năm 2021 tăng 6,61% so với cùng kỳ năm 2020, trong khi đó GDP của 6 tháng đầu năm tăng 5,64% so với cùng kỳ. GDP tính đến cuối quý 2 vẫn đang tăng trưởng nhưng tốc độ tăng thấp hơn kế hoạch do Quốc hội giao là 6%. Dịch vụ là ngành chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu GDP 6 tháng đầu năm với mức 41,13%, tiếp đến là công nghiệp và xây dựng với tỷ trọng 37,61%, nông lâm nghiệp thủy sản chiếm tỷ trọng 12,15% và cuối cùng là thuế sản phẩm và trợ cấp sản phẩm 9,11%.
Khu vực nông lâm thủy sản tăng trưởng khá ở mức 3,82% khi mà sản lượng lúa vụ đông xuân tăng cao nhất từ trước đến nay trong khi các ngành chăn nuôi và thủy sản phát triển ổn định, các mặt hàng nông sản, thủy sản chủ yếu đều tăng trưởng khá tốt.
Sản xuất công nghiệp trong quý II tăng trưởng tích cực nhờ vào sự phục hồi chung của các thị trường xuất khẩu như Mỹ, Trung Quốc và châu Âu. Trong quý II, công nghiệp và xây dựng tăng 11,45% so với cùng kỳ năm 2020 trong khi tốc độ tăng trưởng của ngành này trong 6 tháng đầu năm là 8,91%. Ngành dệt và trang phục may sẵn đã có mức tăng trưởng tốt trong 6 tháng đầu năm lần lượt ở mức là 8,6% và 8,9% sau thời gian dài chịu ảnh hưởng từ các lệnh hạn chế đi lại. Các ngành sản xuất kim loại, máy móc thiết bị, sản xuất xe có động cơ cũng tăng trưởng khá ấn tượng.
Khu vực dịch vụ tăng trưởng 3,96% so với cùng kỳ 6 tháng đầu năm 2020. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 4,9% mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 6 tháng đầu năm 2021 ước tính đạt 9,24 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ 2020. 6 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 316,73 tỷ USD, tăng 32,2% so với cùng kỳ 2020, trong đó xuất khẩu đạt 157,63 tỷ USD, tăng 28,4%; nhập khẩu đạt 159,1 tỷ USD, tăng 36,1%. Cán cân thương mại 6 tháng đầu năm 2021 ước tính nhập siêu 1,47 tỷ USD (Nguồn: Tổng cục thống kê).
Tình hình chuyển biến phức tạp của dịch Covid-19 trong quý III năm 2021 ở các nước châu Á đã và đang gây ra những mối quan ngại lớn với sự phục hồi chung của kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, cũng có những nhận định lạc quan khi mà các nước phát triển đã đẩy mạnh tiêm chủng và mở ra triển vọng kết thúc đại dịch. Trong báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2021 công bố vào tháng 06/2021, Ngân hàng Thế giới đã dự báo mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu là 5,6%, mức phục hồi cao nhất sau khủng hoảng trong vòng 80 năm.
Đối với kinh tế Việt Nam, dịch Covid-19 đã bùng phát mạnh vào cuối tháng 06/2021 đe dọa triển vọng tăng trưởng chung của nền kinh tế. Dịch bùng phát trong các khu công nghiệp và bệnh viện gây ra nhiều khó khăn cho công tác kiểm soát, khoanh vùng và dập dịch. Kinh tế Việt Nam trong quý 3 sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của đợt bùng phát dịch lần thứ 4. Có rất nhiều kịch bản đặt ra cho bức tranh tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2021, tiêu biểu trong số đó là kinh tế nước ta sẽ tăng trưởng từ 6-6,5% nếu dịch bệnh cơ bản được kiểm soát trong tháng 07/2021 và việc tiêm chủng được đẩy nhanh nhằm đạt miễn dịch cộng đồng vào quý I/2022. Ngược lại, kinh tế Việt Nam năm 2021 chỉ có thể tăng trưởng từ 5,1 – 5,3% trong tình huống tiêu cực (Nguồn: TS. Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV). Điều quan trọng mà Việt Nam cần phải thực hiện đó là kiểm soát, chặn đà lây lan của dịch bệnh và đẩy nhanh việc tiêm vắc-xin cho toàn dân để đạt được miễn dịch cộng đồng. Ngoài ra, tại hội thảo trực tuyến “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2021: Cải cách để phục hồi tăng trưởng bền vững”, các đại biểu nhấn mạnh bên cạnh công tác phòng và đẩy lùi đại dịch, Việt Nam cần chuẩn bị cho sự phục hồi và tăng trưởng bền vững với 3 ưu tiên quan trọng, đó là: bảo đảm có sự song hành giữa chính sách kinh tế vĩ mô và cải cách kinh tế vi mô, thúc đẩy phục hồi kinh doanh và nâng cao năng lực nội tại, mức độ tự chủ của nền kinh tế gắn với thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ hướng tới kinh tế số và trang bị kỹ năng mới để cải thiện năng suất.

II. NGÀNH DƯỢC VIỆT NAM 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2021 VÀ DỰ BÁO

Năm 2020, ngành Dược Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đến đầu năm 2021, ngành Dược được dự đoán sẽ tăng trưởng khả quan. Tuy nhiên, có quá nhiều khó khăn đến với các doanh nghiệp dược trong quý 2 khi mà một trong những nước cung cấp nguyên liệu dược hàng đầu là Ấn Độ trải qua đợt bùng phát dịch bệnh nặng nề, làm chuỗi cung ứng nguyên liệu toàn cầu bị gián đoán, các doanh nghiệp phải đương đầu với rủi ro tăng giá nguyên vật liệu. Ngoài ra, đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4 ở Việt Nam liên quan nhiều đến các bệnh viện, vì thế kênh ETC bị ảnh hưởng nghiêm trọng do người dân hạn chế đi đến bệnh viện. Việc phong tỏa, hạn chế đi lại ở một số khu vực vào đầu tháng 07/2021 có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh số của các doanh nghiệp dược trong quý 03. Tuy nhiên, trong dài hạn triển vọng của ngành Dược Việt Nam vẫn được đánh giá cao. Theo đánh giá của Fitch Solutions, chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe dự kiến đạt 23 tỷ USD vào năm 2022 và 42,9 tỷ USD vào năm 2028. Tỷ lệ đô thị hóa ngày càng tăng khiến cho nhu cầu khám chữa bệnh ở khu vực thành thị tăng lên, cùng với việc dân số già đi, bệnh tật ngày càng nhiều, kéo theo chi tiêu cho thuốc tăng, cho thấy ngành dược Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng. Bên cạnh đó, sự phát triển của Internet làm cho việc tiếp cận các dịch vụ y tế trở nên dễ dàng hơn nhờ vậy việc tiếp cận các kênh phân phối dược phẩm sẽ không gặp nhiều trở ngại như trước đây. Đồng thời, các kênh bán hàng hiện đại sẽ dần được các doanh nghiệp dược khai thác bên cạnh các kênh bán hàng truyền thống. Do đó, hoạt động mua bán sáp nhập được dự đoán sẽ tiếp tục được thực hiện trong ngành dược Việt Nam khi mà dư địa tăng trưởng của ngành còn rất khả quan.
Trong quý 3/2021, dự đoán ngành Dược sẽ gặp nhiều khó khăn ở cả hai kênh OTC và ETC, việc giãn cách xã hội trên diện rộng sẽ khiến người dân có tâm lý ngại đến bệnh viện và các trình dược viên cũng gặp nhiều khó khăn trong việc di chuyển và phân phối hàng hóa. Hầu hết các doanh nghiệp dược đều nhập nguyên liệu từ nước ngoài mà chủ yếu là Trung Quốc và Ấn Độ, trong khi Ấn Độ đang được dự báo có khả năng trải qua lần bùng phát thứ 4 trong quý 3 này, do đó chuỗi cung ứng toàn cầu có nguy cơ đứt gãy nếu Ấn Độ tái áp dụng các lệnh giãn cách và giá thuốc sẽ có xu hướng tăng do giá nguyên liệu tăng. Các doanh nghiệp dược phải đối phó với thách thức kép là: vừa phải đảm bảo an toàn sản xuất kinh doanh trong mùa dịch, vừa phải có các chiến lược tồn kho hợp lý khi chuỗi cung ứng toàn cầu đang có nhiều biến động.

III. DIỄN BIẾN CỔ PHIẾU IMEXPHARM QUÝ II NĂM 2021

Trong quý 2 năm 2021 có tổng cộng 21.305.381 cổ phiếu Imexpharm được giao dịch. Trong đó, 3.724.800 cổ phiếu được giao dịch theo hình thức khớp lệnh và 17.580.581 được giao dịch thông qua thỏa thuận. Lượng cổ phiếu giao dịch trong quý 2 tăng hơn 4 lần so với quý 1 và gấp 6 lần so với cùng kỳ. Chủ yếu giao dịch trong quý 2 được thực hiện là giao dịch thỏa thuận, nếu tính riêng giao dịch khớp lệnh thì khối lượng giao dịch trong quý 2/2021 tăng khoảng 15,3% so với cùng kỳ nhưng lại giảm khoảng 5,5% so với quý 1/2021. Trong quý 2, Imexpharm chào đón 2 cổ đông lớn có tỷ lệ sở hữu cổ phần trên 5% là Công ty Cổ phần Đầu tư KBA và Công ty Cổ phần Đầu tư Bình Minh Kim với tỷ lệ sở hữu tại Imexpharm lần lượt là 7,37% và 7,71% trên vốn điều lệ. Ngoài ra, trong quý 2, Cổ đông-SK Investment Vina III cũng nâng tỷ lệ sở hữu lên 29,42% và vẫn giữ vị trí là Cổ đông có tỷ lệ sở hữu cổ phần cao nhất tại Imexpharm.

IV. HOẠT ĐỘNG IMEXPHARM QUÝ II NĂM 2021
STT Chỉ tiêu Q2/2021 % KH 2021 Q2/2020 Tăng trưởng
I Kết quả hoạt động (tỷ đồng)      
1 Tổng doanh thu và thu nhập 623,8 40,1% 597,3 4,4%
2 Doanh thu thuần 613,9 592,4 3,6%
3 Lợi nhuận hoạt động kinh doanh 112,7 108,0 4,4%
4 Lợi nhuận trước thuế 116,9 40,3% 110,7 5,6%
5 Lợi nhuận sau thuế 91,2 88,4 3,2%
II Tài sản – Nguồn vốn (tỷ đồng)        
1 Tổng tài sản 2.228,8 1.940,3     14,9%
2 Vốn chủ sở hữu 1.696,5 1.586,6     6,9%
3 Vốn điều lệ 667,1 494,2   35,0%
III Khả năng thanh toán (lần)        
1 Khả năng thanh toán ngắn hạn 2,6 2,6 0,0 lần
2 Khả năng thanh toán nhanh 1,5 1,4 0,1 lần
IV Khả năng sinh lợi        
1 Lợi nhuận trước thuế/Doanh thu thuần 19,0% 18,7% 0,3%
2 ROS 14,9%  14,9% 0,0%
3 ROE (4 quý gần nhất) 13,0% 11,9% 1,1%
4 ROA (4 quý gần nhất) 10,2% 9,6% 0,6%
5 EPS (điều chỉnh) 4 quý gần nhất 2.793 2.493 12,0%
6 BV (đồng) điều chỉnh 25.446 24.713 3,0%
7 P/E (lần) điều chỉnh 28,6 22,7 6,1 lần
8 P/B (lần) điều chỉnh 3,0 2,3  0,7 lần
Giá thị trường ngày 30/06 (đồng) 79.800 56.500 41,0%

 

Tổng doanh thu và thu nhập 6 tháng đầu năm 2021 của Imexpharm đạt 623,8 tỳ đồng tăng trưởng 4,4% so với cùng kỳ và bằng 40,1% kế hoạch năm do Đại hội đồng Cổ đồng đề ra. Trong khi đó lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 5,6% so với 6 tháng đầu năm 2021 và đạt 40,3% kế hoạch năm. Những tác động của đợt bùng phát dịch Covid 19 lần thứ 4 tại các tỉnh phía nam đã phần nào ảnh hưởng đến doanh số của Imexpharm trong tháng 6 nói riêng và cả quý 2 nói chung. Hàng Imexpharm vẫn giữ vai trò chủ đạo trong cơ cấu doanh thu với mức 95%. Trong khi đó tỷ trọng OTC/ETC xấp xỉ là 60%/40%.
Tổng tài sản của Imexpharm tăng khoảng 15% so với cùng kỳ do việc tăng vốn lưu động nhằm tích trữ nguyên liệu cũng như để phục vụ các nhu cầu chung của Công ty trước những diễn biến khó lường của thị trường. Vốn chủ sở hữu của công ty tăng 7% so với thời điểm kết thúc quý 2 năm 2020 nhờ vào việc tăng lợi nhuận sau thuế trong năm 2020 và phát hành cổ phiếu ESOP trong quý 4 năm 2020. Vốn điều lệ của công ty cũng tăng 35% so với thời điểm ngày 30/06/2020, do việc phát hành thêm cổ phiếu trả cổ tức, cổ phiếu thưởng và ESOP trong nửa cuối năm 2020.
Tỷ số thanh toán ngắn hạn không thay đổi so với cùng kỳ. Tỷ số thanh toán nhanh tăng nhẹ so với cùng kỳ. Nhìn chung, các tỷ số thanh toán nằm trong mức an toàn và phù hợp với chính sách quản lý vốn lưu động của Công ty.
Các chỉ số sinh lời nhìn chung tăng nhẹ so với thời điểm cuối quý 2 năm 2020. Tuy nhiên do lợi nhuận trong nửa đầu năm 2021 tăng trưởng thấp nên các chỉ số sinh lời không tăng mạnh như trong năm 2020.
Giá đóng cửa ngày 30/6/2021 cổ phiếu IMP tăng mạnh 41% so với cùng thời điểm năm 2020 nên các chỉ số P/E và P/B cũng tăng. Đặc biệt, P/E tăng mạnh khoảng 6 lần so với cùng kỳ trong khi đó P/B tăng nhẹ 0,7 lần.

V. CÔNG TÁC TRỌNG TÂM QUÝ II VÀ KẾ HOẠCH QUÝ III/2021

Imexpharm đã đăng ký danh sách cổ đông để chia cổ tức bằng tiền mặt ngày 24/06 và đã chi trả cổ tức ngày 16/7 theo tỷ lệ 15%/mệnh giá.
Trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, mục tiêu trọng tâm của Imexpharm vẫn là đảm bảo an toàn cho tất cả các cán bộ công nhân viên và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh liên tục. Ban lãnh đạo Imexpharm đã bố trí nhân viên sản xuất theo phương châm 3 tại chỗ để đảm bảo hàng hóa được cung ứng kịp thời, không bị gián đoạn. Ngoài ra, Tổng Giám Đốc Imexpharm cũng ban hành các công văn hướng dẫn phòng chống dịch bệnh và đảm bảo an toàn trong sản xuất kinh doanh cho toàn bộ nhân viên của Công ty theo các khuyến cáo của Bộ Y tế, của địa phương và các ngành chức năng.
Hoạt động quản trị hàng tồn kho, công nợ cũng tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ nhằm duy trì một lượng tồn kho hợp lý và đáp ứng nhu cầu vốn lưu động cho mục đích sản xuất kinh doanh của Công ty.
Các chương trình bán hàng và các hoạt động Marketing dự báo sẽ bị gián đoạn trong thời gian giãn cách xã hội do đó công ty sẽ tăng cường các hoạt động trực tuyến để duy trì kênh tương tác với khách hàng và đảm bảo việc cung ứng hàng hóa liên tục trong mùa dịch.
Tăng trưởng doanh thu trong quý 3 của Imexpharm sẽ bị ảnh hưởng nhiều bởi các lệnh giãn cách, hạn chế đi lại. Imexpharm sẽ luôn đặt an toàn sức khỏe của toàn bộ người lao động lên hàng đầu đồng thời tăng cường các hoạt động kiểm soát để hạn chế những rủi ro trong một thị trường nhiễu động với nhiều diễn biến khó lường.