Đóng Menu

Bản Tin Nhà Đầu Tư Quý III năm 2019

I. KINH TẾ VIỆT NAM QUÝ III NĂM 2019

Tăng trưởng kinh tế trong quý III/2019 khả quan hơn dự báo khi tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 7,31% (nguồn: Tổng cục thống kê), giúp GDP 9 tháng đầu của cả nước tăng 6,98% so với cùng kỳ năm 2018. Đây là mức tăng cao nhất trong vòng 9 năm trở lại đây. Tăng trưởng ấn tượng trong quý III đã làm các nhà kinh tế học nâng dự báo về tăng trưởng cả năm của Việt Nam. Theo hãng tin Bloomberg, Citigroup đã nâng dự báo tăng trưởng cả năm của Việt Nam từ 6,7% lên 6,9%, trong khi đó MayBank Kim Eng nâng mức dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2019 lên 7%, tăng 0,2% so với dự báo trước đó. Bất chấp thương chiến Mỹ – Trung cùng những căng thẳng thương mại của Nhật và Hàn Quốc, sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng trưởng ổn định, do đó các tổ chức quốc tế đã tỏ ra lạc quan về triển vọng của kinh tế Việt Nam trong năm 2019, mặc dù vẫn còn tồn tại những bất ổn của kinh tế toàn cầu. Dòng vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam do ảnh hưởng của việc áp thuế lên hàng Trung Quốc đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam. Tuy nhiên, theo hai chuyên gia của MayBank là Linda Liu và Chiu Hak Bin thì nhu cầu trong nước mạnh, bán lẻ tăng trưởng cao cũng là động lực lớn thúc đẩy tăng trưởng chung của Việt Nam.
GDP tăng trưởng là điều đáng mừng nhưng Việt Nam cũng phải chú ý đến một số vấn đề đang tồn đọng, đó là ngành nông-lâm-thủy sản có tốc độ tăng trưởng chậm. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng của ngành này trong quý III năm 2019 là 2,02%, trong khi con số của năm 2018 là 3,7%, điều này làm dấy lên lo ngại nền kinh tế Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào xuất khẩu và khai khoáng. Bên cạnh đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Trung Quốc tăng mạnh và đạt mức 2 tỷ đô la trong 9 tháng đầu năm 2019, mức đầu tư này chỉ đứng sau Hàn Quốc. Cạnh tranh giữa doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài từ lâu đã là vấn đề trăn trở của nhiều kinh tế gia. Bởi vì, theo ông Đậu Anh Tuấn, trưởng phòng pháp chế của VCCI, những cải cách về môi trường kinh doanh vẫn chưa thật sự hiệu quả, cũng như luật hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa thật sự đi vào thực tế và hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp này. Việt Nam cần chú trọng tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh để hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp yếu về vốn và công nghệ để có thể làm chủ được nền kinh tế của nước nhà trong bối cảnh cạnh tranh theo xu hướng của toàn cầu hóa như hiện nay.

II. NGÀNH DƯỢC VIỆT NAM QUÝ III/2019

Ngành dược Việt Nam trong quý 3 năm 2019 vẫn tiếp tục tăng trưởng. Theo dự báo của Cục quản lý Dược, ngành dược Việt Nam sẽ đạt 7,7 tỷ đô la Mỹ vào năm 2021. Thông tư 15 của Bộ Y tế quy định về việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập được ban hành trong quý III/2019 dự kiến sẽ có nhiều ảnh hưởng đến ngành dược trong nước. Cụ thể, các doanh nghiệp trong nước đầu tư cho thuốc chất lượng cao sẽ có cơ hội cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp nước ngoài trong nhóm đấu thầu 1 và 2. Những triển vọng mở ra cho các doanh nghiệp dược trong nước là tín hiệu đáng mừng. Song, ngành dược Việt Nam còn phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài, cùng với đó là nguy cơ các doanh nghiệp dược trong nước có khả năng bị thâu tóm bởi các tập đoàn dược nước ngoài, khi hoạt động M&A trong ngành dược đang diễn ra theo chiều sâu và phức tạp. Dân số Việt Nam đang già đi, chi tiêu cho thuốc sẽ tăng dần lên cùng với thu nhập, do đó thị trường Dược vẫn là một mãnh đất mầu mỡ cho các doanh nghiệp khai thác. Mặc dù, tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn từ 2018-2022 không còn mạnh như giai đoạn bùng nổ từ 2011-2017. Để có thể tồn tại trong xu hướng dòng vốn ngoại đổ vào Việt Nam ngày càng nhiều, các doanh nghiệp trong nước cần phải cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện quản trị công ty để có thể trụ vững với những thay đổi của cơ chế quản lý và thị trường.

III. DIỄN BIẾN CỔ PHIẾU IMEXPHARM

1. Thông tin chung
Mã chứng khoán IMP
Sàn niêm yết HSX
Khoảng giá 52 tuần (VND)
Khối lượng cổ phiếu niêm yết 49.421.159
Khối lượng cổ phiếu đang lưu hành 49.401.359
Lĩnh vực hoạt động Sản xuất kinh doanh dược phẩm
Vốn hóa thị trường (30/09/2019) 2.469,4 tỷ đồng
Room nước ngoài 49%
P/E (lần) 16,5
P/B (lần) 1,64
Cơ cấu cổ đông (đến 30/09/2019)
– Tổng công ty Dược Việt Nam – CTCP 22,87%
– Nhà đầu tư nước ngoài 48,48%
+ Trong đó:
Nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp (NĐTCKCN) nước ngoài là cổ đông lớn sở hữu trên 5% cổ phần
20,17%
– Cổ đông đặc biệt (HĐQT + Ban TGĐ + Ban Kiểm soát + Kế toán trưởng + Người được ủy quyền công bố thông tin), Công đoàn công ty 3,12%
– Sở hữu khác 25,53%
Diễn biến VNIndex và giá IMP Quý 3 năm 2019

Thị trường chứng khoán Việt Nam trong quý III năm 2019 có nhiều biến động. Chỉ số VNIndex có xu hướng tăng trong tháng 7, sau đó giảm trong tháng 8 và kết thúc tháng 9 thì VNIndex tăng hơn 3% so với đầu quý. Thị trường chứng khoán thế giới trong quý 3 có nhiều chuyển biến phức tạp do ảnh hưởng của các yếu tố bên ngoài mà chủ yếu là thương chiến Mỹ-Trung làm đình trệ nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư. Mặc dù rung lắc dữ dội trong suốt quý nhưng VNIndex kết thúc vẫn tăng gần 40 điểm và kết thúc ở mức 996,56 điểm.

Cổ phiếu IMP trong quý III/ 2019 có xu hướng tăng vào tuần đầu tiên của tháng 7, đạt mức giá cao nhất của tháng là 50 ngàn đồng/cổ phiếu. Sau đó IMP có xu hướng đi ngang ở vùng giá 47.000-48.000 đồng/cổ phiếu. Kết thúc quý 3 giá đóng cửa của IMP là 50.000 đồng/cổ phiếu. Nhìn chung, so với VNIndex thì cổ phiếu IMP không có nhiều biến động, chỉ có hai (02) phiên tăng đáng kể là vào ngày 31/07 và ngày 30/9.

Khối lượng giao dịch IMP Quý 3 năm 2019

Giao dịch cổ phiếu IMP trong quý III năm 2019 nhìn chung trầm lắng, không có nhiều điểm nhấn, ngoại trừ ngày 27/09, cổ đông Templeton đã bán 2.304.103 cho một cổ đông lớn của Imexpharm là KWE Beteilgungen AG, đây là giao dịch thỏa thuận duy nhất trong quý 3 và cũng là giao dịch đáng kể nhất. Tổng khối lượng giao dịch khớp lệnh cổ phiếu IMP trong quý 3 đạt 924.270 cổ phiếu, chiếm khoảng 29% tổng khối lượng giao dịch trong quý 3. Khối lượng cổ phiếu khớp lệnh trung bình là 14.219 cổ phiếu. Nếu tính cả giao dịch thỏa thuận và khớp lệnh thì trong quý 3/2019, có 3.228.373 cổ phiếu được giao dịch.

IV. HOẠT ĐỘNG IMEXPHARM QUÝ 3 NĂM 2019

1. Kết quả kinh doanh trong quý 3/2019
 
STT Chỉ tiêu 9th 2019 % KH 2019 9th 2018 Tăng trưởng
I Kết quả hoạt động (tỷ đồng)      
1 Tổng doanh thu và thu nhập 903,4 62,3% 818,1 10,4%
2 Doanh thu thuần 886,4 810,2 9,4%
3 Lợi nhuận hoạt động kinh doanh 129,5 122,3 5,9%
5 Lợi nhuận trước thuế 137,4 62,5% 124,3 10,5%
6 Lợi nhuận sau thuế 110,5 99,3 11,3%
II Tài sản – Nguồn vốn (tỷ đồng)        
1 Tổng tài sản 1.811,4  1.685,6 7,4%
2 Vốn chủ sở hữu 1.507 1.479,2 1,9%
3 Vốn điều lệ 494.2 494.2 0%
III Khả năng thanh toán (lần)        
1 Khả năng thanh toán ngắn hạn 2,6 4,4 (1,8) lần
2 Khả năng thanh toán nhanh 1,3 2,7 (1,4) lần
IV Khả năng sinh lợi        
1 Lợi nhuận trước thuế/Doanh thu thuần 15,5% 14,8% 0,7%
2 ROS    12,5%   12,3% 0,2%
3 ROE (4 quý gần nhất) 10,3%  8,9% 1,4%
4 ROA (4 quý gần nhất) 8,6%  7,8% 0,8%
5 EPS (điều chỉnh) 3.033  2.831 202 đồng
6 BV (đồng) 30.491 29.931     1,9%
7 P/E (lần) 16,5   18,4 (1,9) lần
8 P/B (lần) 1,64  1,7 (0,1) lần
Giá thị trường ngày 30/09 (đồng) 50.000 52.000 (1,04)%

Tổng doanh thu và thu nhập của Imexpharm tính đến cuối tháng 9 năm 2019 đạt 903,4 tỷ đồng tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên con số này chỉ bằng 62,3% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm đạt 137,4 tỷ đồng, bằng 62,5% so với kế hoạch đã đề ra, tăng trưởng 10,5%. Mặc dù doanh thu và lợi nhuận của Imexpharm trong 9 tháng thấp hơn tiến độ kế hoạch đề ra, một phần do bị ảnh hưởng bởi việc tái xét duyệt nhà máy IMP3, nhưng vẫn ghi nhận mức tăng trưởng khá cao trong số các doanh nghiệp dược niêm yết hàng đầu tại Việt Nam.

Doanh thu hàng Imexpharm sản xuất và tự phân phối chiếm tỷ trọng gần 87% trong doanh thu thuần. Trong đó, doanh thu từ kênh OTC chiếm tỷ trọng 71,7%, tăng trưởng âm (0,6%). Doanh thu từ ETC đạt mức tăng trưởng cao 67,8% và chiếm tỷ trọng 28,3% trong doanh thu thuần.

Tổng tài sản của Công ty tính đến cuối tháng 9/2019 đạt 1.811,4 tỷ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Tài sản tăng là do máy móc thiết bị cho nhà máy công nghệ cao được ghi nhận vào tài sản dở dang. Trong khi đó vốn chủ sở hữu tăng nhẹ gần 2%.

Khả năng thanh toán nhanh là 1,3 lần và khả năng thanh toán ngắn hạn là 2,6 lần. Các chỉ số này đều giảm so với năm 2018. Nguyên nhân là lượng tiền trong ngân hàng giảm do công ty tiến hành chi trả cổ tức cho năm 2018 và đầu tư máy móc thiết bị cho nhà máy công nghệ cao. Tuy nhiên khả năng thanh toán này vẫn còn nằm trong ngưỡng an toàn.

Lợi nhuận trước thuế trên doanh thu thuần đạt 15,5%, cao hơn 0,7% so với năm 2018. Trong khi đó các chỉ số ROE, ROA điều chỉnh 4 quý gần nhất và ROS đều tăng so với cùng kỳ năm 2018, mặc dù tài sản và vốn chủ sở hữu cũng tăng nhẹ. Imexpharm đang đi vào giai đoạn khai thác các nhà máy nên tốc độ tăng của lợi nhuận sẽ cao hơn tốc độ tăng của tài sản và vốn chủ sở hữu, do đó đúng như dự đoán từ năm 2018 thì ROE, ROA 4 quý sẽ được điều chỉnh theo chiều hướng tăng.

EPS điều chỉnh 4 quý cũng tăng so với cùng kỳ năm 2018, do lợi nhuận tăng trong khi số lượng cổ phiếu đang lưu hành biến động không đáng kể. BV cũng tăng cùng với xu hướng tăng của tài sản.

Giá cổ phiếu trên thị trường tại phiên đóng cửa cuối tháng 9 là 50.000 đồng, giảm 2.000 đồng so với giá cùng kỳ năm 2018. Do đó các chỉ số P/E, P/B cũng giảm so với năm 2018. Cụ thể P/E đạt 16,5 lần giảm 1,9 lần so với năm trước. Còn P/B giảm nhẹ từ mức 1,7 lần xuống mức 1,64 lần.

2. Những hoạt động sản xuất, kinh doanh và tài chính nổi bật trong quý 3 năm 2019

+ Trong quý 3 năm 2019, Imexpharm đã thành công trong việc tái xét duyệt EU-GMP cho nhà máy IMP3 ở Bình Dương. Đây là tiền đề quan trọng để Imexpharm tiếp tục đẩy mạnh sản xuất tại nhà máy nhằm cung ứng hàng cho bệnh viện và đối tác, góp phần hoàn thành mục tiêu sản xuất kinh doanh 2019; đồng thời cũng là điều kiện để thực hiện các hồ sơ đấu thầu vào các tháng cuối năm 2019.

+ Bên cạnh đó, nhà máy công nghệ cao Bình Dương-IMP4 của Imexpharm cũng đã hoàn thành xét duyệt WHO-GMP và được Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận.

+ Trong quý 3, Imexpharm đã tổ chức các chuyến thăm nhà máy EU-GMP cho các nhà đầu tư, đội ngũ chuyên gia, y bác sỹ… để các bên liên quan trọng yếu của Imexpharm có thể tận mắt xem xét về trình độ kỹ thuật, mức độ đầu tư vào máy móc thiết bị tiên tiến, hiểu rõ về quy trình, cách thức hoạt động của các nhà máy theo tiêu chuẩn EU-GMP mà Imexpharm đã và đang đầu tư.

+ Ngày 11/7, Imexpharm tiến hành chi trả cổ tức 20% bằng tiền mặt cho năm 2018. Tổng giá trị cổ tức được chi trả là 98,8 tỷ đồng, bằng 71,24% lợi nhuận sau thuế được phân phối của năm 2018.

3. Kế hoạch của Imexpharm trong quý IV/2019

Trong quý IV, Imexpharm sẽ tiến hành giám sát chặt chẽ tiến độ sản xuất của các nhà máy để đảm bảo đủ các mặt hàng cung ứng cho hoạt động kinh doanh cuối năm.

Bên cạnh đó, Imexpharm sẽ tập trung quản lý hiệu quả các khoản chi phí, nhằm đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận 220 tỷ năm 2019 được ĐHĐCĐ giao phó.