Đóng Menu

Bản Tin Nhà Đầu Tư Quý II năm 2020

KINH TẾ VIỆT NAM TRONG NỬA ĐẦU NĂM 2020 VÀ DỰ BÁO

Năm 2020, kinh tế thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề từ tác động của dịch Covid 19. Kinh tế Việt Nam đã được dự báo là sẽ tăng trưởng âm trong quý 2. Tuy nhiên, theo số liệu báo cáo của Tổng cục Thống kê thì kinh tế Việt Nam tăng trưởng 0,36% trong quý 2, là mức tăng thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. GDP 6 tháng đầu năm 2020 tăng trưởng 1,81%. Trong tình hình vừa đối phó với dịch bệnh, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thì những nỗ lực của Việt Nam là đáng ghi nhận. Động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chủ yếu nằm ở ngành công nghiệp chế biến chế tạo với mức tăng 4,96%, và các ngành bán buôn, bán lẻ tăng 4,3% cùng với hoạt động ngân hàng, bảo hiểm tăng 6,78%. Xét về cơ cấu kinh tế trong 6 tháng đầu năm thì khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 14,16%, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 33,44%; dịch vụ chiếm 42,04% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,36%.

Hiện tại nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn từ bên trong lẫn bên ngoài. Ngành nông, lâm nghiệp trong những tháng đầu năm chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn tại các tỉnh miền Tây Nam bộ, cùng với đó là nạn dịch tả lợn châu Phi làm cho ngành chăn nuôi chịu tổn thất nặng nề. Trong khi đó, hoạt động giãn cách xã hội cùng với việc đóng cửa các nền kinh tế lớn như Mỹ, Châu Âu, Trung Quốc đã làm cho tổng cầu sụt giảm nghiêm trọng, kinh tế thế giới chìm trong suy thoái sâu. Thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề đặc biệt ở các ngành may mặc, giày da khiến cho xuất khẩu của Việt Nam giảm 2% trong tháng 6. Bên cạnh đó, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung vẫn đang tiếp tục càng làm cho kinh tế thế giới trở nên bất ổn.

Theo đánh giá của hãng tin Bloomberg, Việt Nam là một trong những điểm sáng về tăng trưởng kinh tế trong khu vực mặc dù nền kinh tế dựa chủ yếu vào xuất khẩu. Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự báo trong tháng 5, thì kinh tế Việt Nam 2020 có thể tăng 4%-5% nhờ vào các biện pháp thúc đẩy đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, Ngân hàng phát triển Châu Á-ADB dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2020 ở mức 4,8% và lạm phát dự kiến ở mức 3,3%.

Mặc dù có nhiều điểm tích cực từ nền kinh tế cũng như công tác phòng chống dịch bệnh của Việt Nam, nhưng kinh tế Việt Nam trong năm 2020 vẫn phải đối mặt với rất nhiều thách thức như là sự phụ thuộc mạnh mẽ vào nền kinh tế toàn cầu thông qua hoạt động xuất khẩu. Do đó, kinh tế Việt Nam chỉ phục hồi hoàn toàn khi kinh tế thế giới phục hồi. Việc mở cửa nền kinh tế phải được tiến hành hết sức thận trọng vì tình hình dịch bệnh còn nhiều phức tạp. Trước mắt, ưu tiên của Việt Nam vẫn là thúc đẩy sản xuất tiêu dùng nội địa, giữ ổn định hoạt động kinh doanh trong nước hơn là thúc đẩy tăng trưởng kèm theo rủi ro về sự tái bùng phát của dịch bệnh.

II. TÌNH HÌNH NGÀNH DƯỢC VIỆT NAM TRONG 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2020 VÀ DỰ BÁO

Tình hình dịch bệnh bùng phát vào đầu năm 2020, khiến cho doanh số của các công ty dược gia tăng mạnh trong nửa cuối quý 1 do nhu cầu tích trữ thuốc của người dân. Kênh OTC chứng kiến sự gia tăng bất thường trong thời điểm trước cách ly xã hội ở Việt Nam. Các sản phẩm giảm đau, hạ sốt, thuốc sát trùng, nước rửa tay, thuốc tăng sức đề kháng có doanh số tăng vọt trong 3 tháng đầu năm 2020. Tuy nhiên, sau đó ngành dược cũng chịu những khó khăn nhất định từ suy thoái kinh tế và sự sụt giảm nghiêm trọng của tổng cầu. Bên cạnh đó, đa số nguồn nguyên liệu dược đều được nhập khẩu từ nước ngoài trong đó hai đối tác quan trọng là Trung Quốc và Ấn Độ. Tình trạng dịch bệnh bùng phát tại Trung Quốc, Ấn Độ và châu Âu đã khiến cho việc nhập khẩu nguyên liệu dược gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp. Ngoài ra, do thực hiện giãn cách xã hội trong tháng 4 nên số lượng bệnh nhân đến bệnh viện, phòng khám giảm đáng kể, từ đó kéo theo doanh số mảng ETC bị ảnh hưởng. Tình trạng thất nghiệp tăng, thu nhập của người dân giảm xuống nên cũng tác động đáng kể đến việc chi tiêu cho thuốc, mặc dù đây là hàng thiết yếu. Ngành dược cũng chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19 nhưng nhìn chung có độ trễ so với các ngành khác. Doanh số giảm sẽ gián tiếp ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp dược trong nước trong việc nâng cao tiêu chuẩn sản xuất thuốc. Hiện tại, hầu hết các doanh nghiệp đều tập trung quản trị rủi ro, giữ ổn định hoạt động kinh doanh và chờ sự phục hồi của thị trường.

Trong quý 3, khi dịch bệnh còn tiếp tục diễn biến phức tạp ở các nước châu Mỹ, Ấn Độ thì tình hình ngành dược cũng sẽ có những chuyển biến không mấy khả quan. Tuy nhiên, do dược phẩm là nhu cầu cấp thiết của mỗi người nên đà hồi phục của ngành dược sẽ tương đối nhanh, cùng với sự phục hồi chung của nền kinh tế.

III. DIỄN BIẾN CỔ PHIẾU IMEXPHARM

Tổng khối lượng cổ phiếu IMP được giao dịch trong 6 tháng đầu năm 2020 đạt 9.653.980 cổ phiếu (số lượng này không tính đến các cổ phiếu được giao dịch thông qua Ủy ban Chứng khoán nhà nước). Tổng khối lượng giao dịch này đã vượt khối lượng giao dịch của cả năm 2019. Cụ thể, tổng khối giao dịch của 6 tháng đầu năm bằng 148% so với năm 2019. Kết quả kinh doanh khả quan trong năm 2019, cùng với những kỳ vọng của nhà đầu tư vào đối tác chiến lược đã khiến cổ phiếu Imexpharm trở nên hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, giá cổ phiếu Imexpharm có nhiều biến động. Chênh lệch giữa mức giá đóng cửa cao nhất (62.000 đồng/cổ phiếu) và mức giá thấp nhất (42.100 đồng/cổ phiếu) là gần 20.000 đồng.

Trong tháng 05, Imexpharm cũng ghi nhận sự chuyển đổi quyền sở hữu từ nhóm cổ đông lớn là quỹ Dragon Capital và một số cổ đông khác cho công ty SK Investment Vina III. Hiện tại sở hữu của SK Investment Vina III tại Imexpharm là 24,94%, chiếm tỷ trọng cao nhất trong số các cổ đông của Imexpharm.

IV. HOẠT ĐỘNG IMEXPHARM TRONG 6 THÁNG ĐẦU NĂM VÀ MỤC TIÊU CỦA 6 THÁNG CUỐI NĂM 2020

  1. Kết quả hoạt động kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2020
STT Chỉ tiêu 6th 2020 % KH 2020 6th 2019 Tăng trưởng
I Kết quả hoạt động (tỷ đồng)      
1 Tổng doanh thu và thu nhập 597,3 34,1% 564,1 5,9%
2 Doanh thu thuần 592,4 558,8 6%
3 Lợi nhuận hoạt động kinh doanh 108 85,5 26,3%
4 Lợi nhuận trước thuế 110,7 42,6% 86,3 28,3%
5 Lợi nhuận sau thuế 88,4 68,9 28,3%
II Tài sản – Nguồn vốn (tỷ đồng)        
1 Tổng tài sản 1.940,3 1.845,5 5,1%
2 Vốn chủ sở hữu 1.586,6 1.470,6 7,9%
3 Vốn điều lệ 494,2 494,2 0%
III Khả năng thanh toán (lần)        
1 Khả năng thanh toán ngắn hạn 2,6 2,3 0,3 lần
2 Khả năng thanh toán nhanh 1,4 1,2 0,2 lần
IV Khả năng sinh lợi        
1 Lợi nhuận trước thuế/Doanh thu thuần 18,7% 15,4% 3,3%
2 ROS 14,9%   12,3% 2,6%
3 ROE (4 quý gần nhất) 11,9%  9,9% 2%
4 ROA (4 quý gần nhất) 9,6% 8,2% 1,4%
5 EPS (điều chỉnh) 3.681 2.907 26,6%
6 BV (đồng) 32.125 29.768 7,9%
7 P/E (lần) 15,3 16,3 (1)  lần
8 P/B (lần) 1,8 1,6 0,2 lần
Giá thị trường ngày 30/06 (đồng) 56.500 47.300 19,5%

 

Tổng doanh thu và thu nhập của Imexpharm trong 6 tháng đầu năm 2020 đạt 597,3 tỷ đồng, tăng trưởng 5,9% so với cùng kỳ năm 2019. Doanh thu thuần cũng tăng 6%. Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên doanh thu tăng trưởng không như kỳ vọng và chỉ mới đáp ứng được 34,1% kế hoạch đề ra. Kênh ETC của Imexpharm tăng trưởng rất khả quan ở mức gần 80% và chiếm tỷ trọng 37,7% trong cơ cấu doanh thu. Trong khi đó, kênh OTC lại chứng kiến tăng trưởng âm 9% trong 6 tháng đầu năm 2020 do chịu ảnh hưởng từ sự sụt giảm chung của tổng cầu.

So với doanh thu thì lợi nhuận trước thuế tăng trưởng có phần khả quan hơn, tính đến cuối tháng 6/2020 tổng lợi nhuận trước thuế của Imexpharm là 110,7 tỷ đồng, tăng trưởng 28,3% so với cùng kỳ năm 2019 và bằng 42,6% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế tăng trưởng tốt là do tỷ trọng giá vốn trên doanh thu thuần được giữ ổn định ở mức 60,4%-61%, tốc độ tăng của giá vốn xấp xỉ khoảng 5% trong khi doanh thu thuần tăng trưởng 6%. Bên cạnh đó, chi phí bán hàng được tiết kiệm nhiều, cụ thể chi phí bán hàng giảm 10,5 tỷ so với cùng kỳ do một số hoạt động hỗ trợ bán hàng không thể thực hiện được vì ảnh hưởng của dịch bệnh, cùng với đó là việc thắt chặt chi tiêu nhằm phấn đấu đạt mức tăng trưởng lợi nhuận đã đề ra. Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng nhẹ khoảng 500 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu từ hoạt động tài chính giảm 2,2 tỷ đồng trong khi thu nhập khác tăng 1,9 tỷ đồng. Do đó, mức tăng trưởng lợi nhuận cao chủ yếu đến từ hoạt động kinh doanh chính của công ty.

Tổng tài sản tăng nhẹ khoảng 5% so với cùng kỳ năm 2019 chủ yếu đến từ việc ghi nhận chi phí xây dựng, máy móc của nhà máy Thực phẩm chức năng và sự gia tăng của hàng tồn kho. Bên cạnh đó, Vốn chủ sở hữu tăng 7,9% nhờ lợi nhuận tích lũy kỳ này, lợi nhuận năm trước trích vào quỹ đầu tư phát triển.

Tỷ số về khả năng thanh toán không có nhiều thay đổi so với cùng kỳ năm 2019 và được giữ ở mức an toàn. Tỷ số thanh toán ngắn hạn và khả năng thanh toán nhanh lần lượt là 2,6 và 1,4.

Do lợi nhuận tăng trưởng khả quan nên các chỉ số về khả năng sinh lời tăng so với cùng kỳ năm 2019. Cụ thể ROS đạt 14,9% tăng 2,6% so với năm trước. ROA, ROE (4 quý gần nhất) lần lượt là 9,6% và 11,9%, cả hai tỷ số này đều được cải thiện so với 6 tháng đầu năm 2019. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) trong 4 quý gần nhất cũng đạt 3.681 đồng, tăng 774 đồng tương ứng với mức 26,6% so với năm 2019.

Giá trị sổ sách tăng đạt 32.125 đồng, tăng 7,9% so với năm trước. Giá đóng cửa tại phiên giao dịch cuối tháng 6 là 56.500 đồng/cổ phiếu. Tỷ số P/E giảm 1 lần trong khi PV tăng nhẹ 0,2 lần so với năm trước.

2. Chiến lược của Imexpharm trong 6 tháng cuối năm 2020

Trước những diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh, Imexpharm xác định nhiệm vụ trong giai đoạn trước mắt là phải kiểm soát tốt chi phí, công nợ để đảm bảo ổn định lợi nhuận và dòng vốn lưu động đáp ứng cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động ở kênh ETC nhằm gia tăng tỷ trọng của kênh bán hàng này trong cơ cấu tổng doanh thu. Duy trì các hoạt động tiếp thị, thúc đẩy bán hàng ở kênh OTC để đón đầu sự phục hồi của thị trường sau dịch bệnh.

Kiểm soát chặt chẽ hàng tồn kho, không để tình trạng tồn kho quá cao ảnh hưởng đến vốn lưu động nhưng cũng phải đảm bảo đủ nguồn nguyên liệu cho hoạt động sản xuất, đặc biệt trong tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp ở Ấn Độ, làn sóng tái lây nhiễm lần 2 ở châu Âu và thiên tai ở Trung Quốc.

Giám sát chặt chẽ tiến độ xét duyệt EU-GMP cho nhà máy IMP4. Thực hiện các bước cần thiết để tiến hành thẩm định từ xa. Nhà máy IMP4 đang bị trễ tiến độ xét duyệt do ảnh hưởng của dịch bệnh khiến các chuyên gia châu Âu không thể sang Việt Nam để thẩm định trực tiếp như kế hoạch ban đầu.

Ngày 30/05/2020, Imexpharm đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020. Đại hội đã bầu ông Trương Minh Hùng làm thành viên HĐQT mới thay thế cho thành viên từ nhiệm là ông Huỳnh Văn Nhung. Ngoài ra, Đại hội cũng phê chuẩn mức cổ tức năm 2019 và cổ phiếu thưởng cho các cổ đông của Imexpharm.  Ngày 15/07/2020, Imexpharm đã chốt danh sách chi cổ tức 10% bằng tiền mặt và 10% bằng cổ phiếu, cùng với 20% cổ phiếu thưởng cho các cổ đông hiện hữu. Cổ tức và cổ phiếu thưởng  sẽ được chi vào ngày 30/07/2020.