Đóng Menu

Bản Tin Nhà Đầu Tư – Quý I năm 2021

I. MÔI TRƯỜNG VĨ MÔ TRONG QUÝ I NĂM 2021

Dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trong quý 1 năm 2021. Tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam trong quý đạt 4,48% cao hơn mức tăng trưởng 3,68% của cùng kỳ năm 2020. Năng suất lúa, sản lượng cây lâu năm đạt khá nên nông lâm nghiệp có mức tăng 3,16% cao hơn năm trước và đóng góp 8,34% vào mức tăng trưởng chung. Trong khi đó, công nghiệp và xây dựng tăng 6,3%, đóng góp 55,96%. Khu vực dịch vụ trong quý I tăng trưởng khá nhờ dịch Covid-19 được kiểm soát, cụ thể dịch vụ tăng trưởng 3,34%, đóng góp 35,70%. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong quý 1 với giá trị 21,2 tỷ USD bỏ xa thị trường đứng thứ 2 là Trung Quốc: 12,5 tỷ USD. Nhưng Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam khi có đến 23,8 tỷ USD hàng nhập từ Trung Quốc tăng 47,3% so với cùng kỳ. Theo bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê, kinh tế quý 1 tăng trưởng khá tốt nhờ vào chính sách điều hành linh hoạt của chính phủ, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.
Đặc biệt, chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng 0,29% so với cùng kỳ, đây là mức tăng thấp nhất trong vòng 20 năm qua. Tuy nhiên, theo bà Vũ Thị Oanh-Vụ trưởng vụ thống kê giá, thì việc kiềm chế lạm phát ở mức 4% vẫn là thách thức cho cả nền kinh tế khi mà Mỹ và các quốc gia khác đã tung ra các gói kích thích với quy mô lớn để khôi phục nền kinh tế sau đại dịch.
Nhiều tổ chức quốc tế tỏ ra lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2021, theo báo cáo mới nhất Quỹ tiền tệ quốc tế IMF nhận định, bất chấp đại dịch, kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng 6,5%. Khối nghiên cứu kinh tế của ngân hàng HSBC nhận định kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng 6,6%. Những biện pháp phòng chống dịch bệnh hiệu quả đã góp phần giúp Việt Nam khôi phục các hoạt động kinh tế và lấy lại đà tăng trưởng. Xếp hạng tín dụng của Việt Nam cũng được cải thiện: tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s đã công bố về việc xếp hạng cho khả năng thanh toán nợ dài hạn và nợ “được ưu tiên trả trước” không có tài sản bảo đảm được phát hành bởi Chính phủ Việt Nam lên Ba3, thay đổi triển vọng từ “tiêu cực” thành “tích cực”.

II. DIỄN BIẾN CỔ PHIẾU IMEXPHARM QUÝ I NĂM 2021

Trong quý I năm 2021 có tổng cộng 5.157.946 cổ phiếu IMP được giao dịch. Trong đó, có 3.943.000 cổ phiếu được giao dịch theo hình thức khớp lệnh, phần còn lại 1.214.946 cổ phiếu được giao dịch thỏa thuận. Giá đóng cửa cao nhất trong quý 1 là 74.100 đồng/cổ phiếu. Giá đóng cửa của phiên giao dịch cuối cùng trong quý 1 là 73.500 đồng, tăng 26,7% so với giá đóng cửa của phiên đầu tiên của năm 2021. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch khớp lệnh trong quý I năm 2021 vẫn thấp hơn con số 5.757.690 cổ phiếu được khớp trong quý 1 năm 2020. Nhìn chung, mã cổ phiếu IMP đã trở nên hấp dẫn trên thị trường sau sự xuất hiện của đối tác chiến lược cùng với những chính sách đầu tư cho chất lượng bước đầu mang lại hiệu quả tích cực, góp phần thúc đẩy lợi nhuận của công ty tăng trưởng nhanh.

III. HOẠT ĐỘNG IMEXPHARM TQUÝ I NĂM 2021

STT Chỉ tiêu Q1/2021 % KH 2021 Q1/2020 Tăng trưởng
I Kết quả hoạt động (tỷ đồng)      
1 Tổng doanh thu và thu nhập 301,1 19,7% 304,3 (1,1)%
2 Doanh thu thuần 296,4 303,7 (2,4)%
3 Lợi nhuận hoạt động kinh doanh 52,7 51,3 2,7%
4 Lợi nhuận trước thuế 55,2 19% 51,4 7,4%
5 Lợi nhuận sau thuế 41,9   41,1 1,9%
II Tài sản – Nguồn vốn (tỷ đồng)        
1 Tổng tài sản 2.184,5 1.817,1 20,2%
2 Vốn chủ sở hữu 1.772,3 1.600 10,7%
3 Vốn điều lệ 667,1 494,2 35%
III Khả năng thanh toán (lần)        
1 Khả năng thanh toán ngắn hạn 5,2 3,9 1,3 lần
2 Khả năng thanh toán nhanh 3,2   2,1 1,1 lần
IV Khả năng sinh lợi        
1 Lợi nhuận trước thuế/Doanh thu thuần 18,6% 16,9% 1,7%
2 ROS 14,1% 13,5 % 0,6%
3 ROE (4 quý gần nhất) 12,5% 10,6% 1,9%
4 ROA (4 quý gần nhất) 10,5% 9,5% 1%
5 EPS (điều chỉnh) 4 quý gần nhất 2.859 2.289 24,9%
6 BV (đồng) điều chỉnh 27.357   24.910 9,8%
7 P/E (lần) điều chỉnh 25,7   18,5 7,2 lần
8 P/B (lần) điều chỉnh 2,7   1,7 1  lần
Giá thị trường ngày 31/03 (đồng) điều chỉnh 73.500   42.400 72,9%

Tổng doanh thu và thu nhập của Imexpharm trong quý I năm 2021 đạt 301,1 tỷ đồng, giảm nhẹ 1,1% so với cùng kỳ năm 2020 và đạt 19,7% kế hoạch. Trong khi đó doanh thu thuần giảm 2,4% so với quý 1 năm 2020. Tháng 03/2020 khi các chỉ thị 15 và 16 về phòng chống dịch bệnh của Chính phủ được ban hành thì xu hướng tích trữ các loại thuốc thiết yếu tăng đột biến, dẫn đến doanh số tăng vọt vào cuối quý 1/2020. Do đó, doanh số giảm nhẹ so với cùng kỳ có thể lý giải được do hiện tượng nhập hàng để đối phó với dịch bệnh của các nhà thuốc trong quý đầu năm 2020.
Lợi nhuận trước thuế trong 3 tháng đầu năm 2021 đạt 55,2 tỷ, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2020 và bằng 19% kế hoạch năm. Công ty vẫn bám sát các chiến lược trọng tâm về tái cơ cấu doanh mục sản phẩm, kiểm soát chặt chi phí và tồn kho để đạt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 290 tỷ của năm 2020, đồng thời cân đối phù hợp với số ngày chuyển đổi tiền mặt mục tiêu được đặt ra.
Tổng tài sản của công ty tăng hơn 20% so với giá trị ghi nhận ngày 31/03/2020 trong khi đó vốn chủ sở hữu chỉ tăng 10,7%. Lợi nhuận năm 2020 tăng trưởng tốt, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tăng kéo theo vốn chủ sở hữu tăng. Đồng thời, hệ số nhân vốn chủ sở hữu cũng tăng, do công ty thực hiện vay nợ dài hạn từ Ngân hàng phát triển Châu Á để phục vụ cho các mục đích sản xuất kinh doanh. Vốn điều lệ tăng 35% so với năm trước do công ty phát hành cổ phiếu trả cổ tức, cổ phiếu thưởng và ESOP.
Hệ số thanh toán ngắn hạn và hệ số thanh toán nhanh tăng mạnh so với cùng kỳ do công ty vừa giải ngân thành công khoản vay 8 triệu của Ngân hàng Phát triển châu Á vào cuối tháng 02 và đầu tháng 03.
Các chỉ số khả năng sinh lời đều tăng so với cùng kỳ năm trước, do lợi nhuận tăng trưởng tốt cùng với việc các nhà máy mới dần đi vào hoạt động nên ROE, ROA sẽ được cải thiện theo thời gian.
Giá cổ phiếu đóng cửa ở phiên cuối cùng của tháng 03/2021 tăng gần 73% so với cùng kỳ, từ đó kéo theo các chỉ số P/E tăng mạnh, đồng thời P/B cũng tăng 1 lần so với quý 1/2020.

IV. KẾ HOẠCH QUÝ II/2021

Imexpharm tiếp tục củng cố quản trị ở chi nhánh bán hàng và quản trị sản xuất để đạt được mục tiêu doanh thu, lợi nhuận đã đề ra.
Công ty theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh ở châu Âu và chuẩn bị sẵn sàng các phương án để việc xét duyệt tiêu chuẩn EU-GMP cho nhà máy IMP4.
Đẩy mạnh công tác đăng ký sản phẩm cho các nhà máy EU-GMP.
Triển khai sản xuất và tung ra thị trường sản phẩm mới của nhà máy Thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Tiếp tục củng cố và kiện toàn nguồn nhân lực, nâng cao năng lực quản lý, tạo môi trường làm việc hiệu quả, kỷ luật.